Thông tin báo chí Trung ương viết về Nam Định (Từ 08/12/2020 đến ngày 14/12/2021)
Qua theo dõi của Sở Thông tin và Truyền thông, từ ngày 08/12/2021 đến 14/12/2021 có khoảng 51 tin, bài trên 35 báo, tạp chí Trung ương phản ánh về Nam Định, trong đó có một số vấn đề được dư luận trong và ngoài tỉnh quan tâm sau đây:
1. Các bài viết phản ánh về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh
- Ngày 13/12, Đoàn Đại sứ Việt Nam tại các nước Nhật Bản, Singapore và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong do Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam làm trưởng đoàn đã về làm việc với tỉnh về cơ hội đầu tư trên địa bàn. Tại buổi làm việc, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam bày tỏ vui mừng ấn tượng trước những thành tựu mà tỉnh Nam Định đã đạt được trong thời gian qua. Đại sứ mong muốn thời gian tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định sẽ tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Nam Định đến với nhân dân và doanh nghiệp Nhật Bản, Singapore, Hồng Kong. Với vai trò và trách nhiệm của mình, các đồng chí Đại sứ, Tổng lãnh sự sẽ tích cực góp sức, để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Nam Định với Nhật Bản, Singapore và Hồng Kong, nhất là trong kết nối hợp tác, đầu tư trên các lĩnh vực mà Nam Định có thế mạnh. Đây là thông tin trên báo Chính phủ điện tử (baochinhphu.vn) ngày 14/12.
- Nam Định xin bổ sung 12.000 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch là thông tin trên báo Đầu tư (baodautu.vn) ngày 08/12. UBND tỉnh Nam Định đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh bổ sung Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Nam Định vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Việc bổ sung Dự án cũng là hết sức cần thiết, góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như trong khu vực. Quy mô Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Nam Định được đề nghị bổ sung lên tới 12.000 MW và được chia làm 4 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ 2021-2025 có công suất 2.000 MW; giai đoạn 2 từ 2025-2030 có công suất 3.000 MW, giai đoạn 3 từ 2030-2035 có công suất là 3.500 MW và giai đoạn 4 từ 2035 - 2045 có quy mô 3.500 MW. Cũng để phục vụ cho dự án này, tỉnh cũng đề nghị xây dựng mới trạm biến áp và đường dây 500 kV phù hợp với quy mô công suất của nhà máy và đấu nối vào lưới điện quốc gia. Tỉnh Nam Định có khoảng 72 km bờ biển.
- Sở TT&TT Nam Định lên kế hoạch an toàn thông tin năm 2022 là thông tin trên Ictnews.vietnamnet.vn ngày 07/12. Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tỉnh Nam Định vừa ban hành Kế hoạch 117 về Phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Sở TT&TT tỉnh Nam Định năm 2022. Theo đó trong năm tới, Sở TT&TT Nam Định đặt mục tiêu thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống mạng nội bộ, mạng Wi-Fi... Sở TT&TT tỉnh Nam Định cũng cập nhật các phần mềm bản quyền, phần mềm giám sát hệ thống nhằm cảnh báo sớm những sự cố về an toàn thông tin; tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, tường lửa, phần mềm diệt virus, phần mềm bảo mật. Một mục tiêu khác là duy trì bố trí máy tính không có kết nối mạng để soạn thảo văn bản mật. Sở TT&TT Nam Định còn nêu ra giải pháp bảo vệ 100% máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan tại các sở.
- Nhiều khó khăn trong phát triển cây vụ Đông tại Nam Định là thông tin trên TTXVN/Vnanet.vn ngày 09/12. Vụ Đông năm nay, tỉnh Nam Định gieo trồng khoảng 11.000ha; trong đó, trên 1.600 ha trồng trên đất 2 lúa với các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, bí xanh, cà chua, đậu tương… Từ lâu vụ Đông mang lại thu nhập lớn cho người dân các địa phương tại tỉnh Nam Định và được xem như vụ sản xuất chính, nhưng năm nay do mưa lớn kéo dài gây ngập úng khiến nhiều diện tích rau màu của bà con phải trồng lại. Mặt khác giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng cao khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
- Ngày 10/12, UBND huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thanh Côi. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 609,47 tỷ đồng với quy mô 49,79ha, thuộc địa bàn xã Tam Thanh. Dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thanh Côi được UBND tỉnh Nam Định ra quyết định thành lập ngày 10/6/2019, do Công ty cổ phần Thương mại-Xây dựng 379 (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Nơi đây được định hướng là cụm công nghiệp đa ngành, gồm cơ khí, cơ khí đúc; sản xuất, chế biến gỗ; điện, điện tử; phụ trợ dệt may…, trong đó ưu tiên thu hút các ngành thế mạnh của khu vực như cơ khí, cơ khí đúc, chế biến gỗ. Về vị trí, cụm công nghiệp Thanh Côi được đánh giá là địa điểm thuận lợi để thu hút đầu tư, nhờ mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện với tuyến đường sắt bắc-nam và các tuyến quốc lộ 10, 37, 38B; có không gian mở kết nối gần với 2 thành phố Nam Định và Ninh Bình, tuyến hành lang cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Hải Phòng và các huyện phía nam của tỉnh Nam Định. Đây là thông tin trên các báo Nhân dân (nhandan.vn); Đại đoàn kết (daidoanket.vn); TTXVN/Vnanet.vn/Bnews.vn ngày 10/12…
- Mẹ bỏ đi, bố ung thư lay lắt chăm 2 con nhỏ bên bờ sông là thông tin trên báo Lao động (laodong.vn) ngày 10/12 ghi nhận hoàn cảnh khó khăn của ba bố con anh Quân ở xã Yên Khang, huyện Ý Yên. Vợ bỏ đi, anh Quân lay lắt với căn bệnh ung thư cùng 2 đứa con nhỏ. Không có nơi tá túc lành lặn, 3 bố con phải trải tấm chiếu rách ngủ cạnh bờ sông cầm cự qua ngày.
- Nam Định: Tăng giám sát, phản biện để bảo vệ quyền lợi của nông dân là thông tin trên báo Dân Việt (danviet.vn) ngày 11/12. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Nam Định tăng cường sự phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Công Thương, Sở NNPTNT tiến hành giám sát, kiểm tra việc thực hiện quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra tập trung chủ yếu gồm: Giám sát các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân có sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tại địa phương; một số cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… Qua kiểm tra, giám sát tại cấp cơ sở cho thấy, về cơ bản các đơn vị đều đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính như: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy xác nhận kiến thức về kinh doanh vật tư nông nghiệp; giấy khám sức khỏe; xác nhận an toàn phòng, chống cháy nổ, an toàn về môi trường; sổ xuất nhập hàng để ghi chép và truy xuất nguồn gốc vật tư nông nghiệp… Nhờ đó, các đoàn công tác đã thống kê, đánh giá có 33/44 mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, đúng qui định. Tiêu biểu như: Mô hình trồng quất tại xã Nam Mỹ và Nam Toàn (huyện Nam Trực); trồng lúa tại xã Trung Thành (huyện Vụ Bản); trồng hoa cây cảnh ở thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh).
- Công an Nam Định phá hàng loạt vụ án tham nhũng trong năm 2021 là bài viết trên Vietnamnet.vn ngày 13/12. Năm 2021, cùng với tình hình chung của cả nước, tỉnh Nam Định chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là sự phát triển kinh tế của tất cả các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên tình hình tội phạm tham nhũng còn nhiều tiềm ẩn với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực trọng điểm hiện nay như: đầu tư, xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai; tài chính, ngân hàng… Trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn tỉnh đã khởi tố, điều tra 8 vụ án, 20 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại: 15.777 tỷ đồng. Tổng số tài sản thu hồi hơn 14.000 tỷ đồng.
- Vụ Bản, Nam Định: 100% đơn của công dân được xử lý đúng quy định là thông tin trên báo Thanh tra ngày 14/12. Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có những diễn biến phức tạp, nhưng được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền nên công tác tiếp dân của huyện được thực hiện tốt. Việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) được tiếp nhận và xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Trong năm 2021, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Vụ Bản đã tiếp 498 lượt công dân với 307 vụ việc, tương ứng với 396 người được tiếp, trong đó: 266 vụ việc tiếp lần đầu; 41 vụ việc tiếp nhiều lần; có 02 đoàn đông người. Tổng số đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết là 104 đơn, tương ứng 85 vụ việc, trong đó: đã giải quyết 90/104 đơn, đạt tỷ lệ 88,2%; đang giải quyết (đã giải quyết lần 1, lần 2, nhưng công dân chưa nhất trí với kết quả giải quyết) 14/104 đơn. Để có được những kết quả nêu trên, UBND huyện Vụ Bản và đa số các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện cùng UBND các xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân.
* Thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định:
- Liên tục phát sinh ổ dịch, Nam Định 'gõ cửa từng nhà' để hoàn thành tiêm phủ mũi 2 là thông tin trên các báo Tiền phong (tienphong.vn); Đại đoàn kết (daidoanket.vn) ngày 08/12; Pháp luật Việt Nam (baophapluat.vn) ngày 09/12; TTXVN/Vnanet.vn ngày 07/12. Trước tình hình liên tục phát sinh các ổ dịch và gia tăng F0, chiều 8/12, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã ra chỉ đạo kiên quyết về việc phải hoàn thành tiêm phủ mũi 2 cho người dân trong vòng 1 tuần bằng cách gõ cửa từng nhà dân để mời tiêm, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương không hoàn thành. Chủ tịch tỉnh Nam Định giao cho ngành y tế và các ngành chức năng toàn tỉnh tập trung tối đa mọi nguồn lực để thần tốc tiêm chủng với mục tiêu đến ngày 15/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Trường hợp chậm nhất phải hoàn thành là ngày 31/12.
- Nam Định tiêm vắc xin cho gần 60 nghìn học sinh từ 15 - 17 tuổi là thông tin trên báo Giáo dục Thời đại (giaoducthoidai.vn); Đời sống Việt Nam (doisongvietnam.vn) ngày 09/12; TTXVN/Baotintuc.vn/Vnanet.vn ngày 08/12. Tính đến ngày 8/12, tỉnh Nam Định đã hoàn thành mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 60 nghìn học sinh từ 15 - 17 tuổi trên địa bàn. Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho hay, trong đợt tiêm này, tỉnh Nam Định được phân bổ gần 74 nghìn mũi vắc xin nhãn hiệu Comirnaty của hãng Pfizer. Tỉnh sẽ tiêm cho toàn bộ hơn 60 nghìn học sinh THPT trên địa bàn. Số còn lại sẽ chủ yếu tiêm cho lứa tuổi THCS trong độ tuổi của TP Nam Định - nơi đang là điểm đang bùng phát dịch mạnh. Để bảo đảm an toàn, hiệu quả tiêm chủng, ngành Y tế các địa phương đã phối hợp với ngành Giáo dục và các trường học thực hiện tốt việc rà soát số trẻ trong độ tuổi từ 12 - 17. Đồng thời điều tra tiền sử bệnh tật, lập danh sách trẻ thuộc các trường hợp chống chỉ định, trẻ có nguy cơ cao… để phân loại đối tượng. Việc tiêm vắc xin nhận được sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh và các nhà trường. Trước khi tiêm, các em được nhắc nhở, căn dặn kỹ lưỡng về những việc cần làm như ăn uống đầy đủ; đến nơi tiêm cần tuân thủ nghiêm các quy định của cán bộ y tế và theo dõi sức khỏe sau khi tiêm. Tại các điểm tiêm, quá trình thực hiện tiêm được thực hiện đúng tiến độ, đối tượng và quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn cao nhất cho học sinh.
- Hơn 1.000 phụ huynh Nam Định chưa đồng ý cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19 là thông tin trên báo Tiền phong (tienphong.vn) ngày 08/12. Sau hơn 1 ngày tiêm vắc xin đầu tiên cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tại Nam Định đã có 107 học sinh Nam Định phản ứng thuốc ở dạng thông thường. Đáng chú ý là có tới trên 1.000 gia đình chưa đồng ý cho con mình tiêm vắc xin, chủ yếu do tâm lý lo ngại khi biết thông tin trong số vắc xin tại tỉnh Nam Định có lượng lớn vắc xin được gia hạn.
- Huyện Nam Trực, Nam Định: Duy trì dạy học linh hoạt và tiêm chủng vắc xin là thông tin trên báo Giáo dục Thời đại (giaoducthoidai.vn) ngày 09/12. Hiện tại, ngành giáo dục huyện Nam Trực vẫn tổ chức tốt hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến cho học sinh. Hiện tại, nhiều trường học tại Nam Định tổ chức dạy học linh hoạt tùy tình hình dịch ở từng địa phương. Cụ thể, các cơ sở giáo dục ở khu vực an toàn, cấp độ 1 (vùng xanh), nhà trường tổ chức linh hoạt giữa hình thức dạy học trực tiếp tại trường; dạy học trực tuyến cho những học sinh không thể đến trường do thuộc diện F1, F2 hoặc nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa. Các trường ở khu vực cấp độ 2 (vùng vàng), học sinh mầm non nghỉ học. Trường Tiểu học, THCS tạm dừng dạy học trực tiếp chuyển sang dạy học trực tuyến. Với những khu vực cấp độ 3 (vùng cam) và cấp độ 4 (vùng đỏ), nhà trường chủ động xây dựng phương án dạy học trực tuyến; hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu và có biện pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các em theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, đại diện ngành giáo dục huyện Nam Trực cũng thông tin, toàn huyện có gần 17 nghìn học sinh trong độ tuổi từ 12 - 17. Các địa phương đang rà soát các đối tượng trẻ để tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các em theo hướng dẫn của ngành y tế.
2. Một số thông tin đáng lưu ý
- Người lao động đã mất việc lại bị công ty “giam” tiền đặt cọc là thông tin trên báo Lao động (laodong.vn) ngày 07/12 phản ánh việc việc: Gần 1 năm nay, hàng chục người lao động tại tỉnh Nam Định nguyên là nhân viên Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Thuận Phát (có địa chỉ tại Hà Nội) lâm vào cảnh điêu đứng, lao đao vì vừa mất việc làm, vừa bị công ty chậm trễ hoàn trả lại tiền đặt cọc bảo lãnh làm việc. Cụ thể, chị V.N.N (33 tuổi, trú phường Trường Thi, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) cho biết: Đầu năm 2020, chị được tuyển vào làm việc cho Công ty TNHH Đầu tư Nông Nghiệp Thuận Phát (địa chỉ ĐKKD ở tầng 2, số 89 Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) - đơn vị liên kết với Công ty CP Giải pháp Thanh toán Điện lực và Viễn thông (viết tắt là ECPay). ECPay sẽ là doanh nghiệp trung gian thực hiện thu hộ tiền điện cho các Công ty Điện lực thành viên trực thuộc EVNNPC.Sau khi đi phỏng vấn và được nhận vào làm nhân viên kinh doanh cho công ty, ngày 17/1/2020, chị N. có chuyển khoản qua ngân hàng để đặt cọc cho công ty số tiền 100 triệu đồng (đây được gọi là tiền bảo lãnh quá trình làm việc tại công ty). Đến ngày 22/12/2020, do công ty có trục trặc với bên điện lực nên nhân viên bị thu quầy, mất việc làm từ đó đến nay. Khi làm giấy tờ đặt cọc tiền, công ty có ký nhận sẽ hoàn trả tiền cọc sau 30-45 ngày tính từ ngày nhân viên nghỉ việc, nhưng đến nay, chị này vẫn chưa được trả lại số tiền 100 triệu đồng nói trên. Không chỉ chị N, theo chị này, trên địa bàn tỉnh Nam Định đến nay có 32 người khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, tổng số tiền cọc mà họ còn nợ lên đến gần 3 tỉ đồng. Ông Hoàng Huy Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Thuận Phát, PV Lao Động nhận được câu trả lời xác nhận từ ông này rằng, phản ánh của người lao động nói trên là đúng. "Không phải chúng tôi cố tình không trả lại tiền cọc cho các bạn ấy và chúng tôi cũng không nhập nhèm, lừa đảo gì như các bạn ấy nghĩ. Hiện công ty vẫn đang triển khai giải quyết các thủ tục giải chấp, cố gắng trong tháng 12 này sẽ hoàn trả lại cho các bạn ấy đầy đủ" - ông Hoàng Huy Hùng cam kết.
- Phụ huynh THPT Xuân Trường B than tiếng Anh người nước ngoài dạy chất lượng kém là thông tin trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) ngày 08/12. Nhiều phụ huynh có con học tại Trường Trung học phổ thông Xuân Trường B (Xuân Trường) gửi phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bức xúc về việc, các lớp học tiếng Anh với người nước ngoài do trường này tổ chức hiện đang không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều người không còn muốn con mình tham gia vào các lớp học này nữa.
Giám đốc Sở GD Nam Định: phụ huynh rất cảm tính khi nói về chất lượng tiếng Anh là thông tin trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) ngày 12/12. Sau khi nhiều phụ huynh phản ánh rằng, chất lượng của các lớp học tiếng Anh với người nước ngoài không có hiệu quả, thầy Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GĐ&ĐT tỉnh cho rằng: “Cái đó là quan điểm cá nhân của người ta. Nếu thấy không ưng cho con học nữa thì họ có thể cho con họ nghỉ. Chủ trương này là chung của ngành giáo dục tỉnh Nam Định và chất lượng thực sự nó khác. Sau khi có thông tin của báo chí thì chúng tôi đã cho đoàn xuống đó kiểm tra ngay. Trên thực tế, chất lượng ngoại ngữ thì mọi người có thể thấy, trong những năm gần đây tại Nam Định thì so với các tỉnh miền Bắc, kể cả Hà Nội về phổ cập ngoại ngữ là cả một bước tiến bộ vượt bậc. Vì vậy, không thể từ một trường mà đánh giá cho cả một cái chung toàn tỉnh được. Để cho các phụ huynh khác hiểu hơn về bản chất của sự việc này thì chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền qua các nhà trường, qua báo chí. Vì từ khi xây dựng dự án này thì tôi cũng đã giải trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh, cũng đã lên cả truyền hình và làm cả một hệ thống để giải thích rõ là dự án đưa vào với mục đích gì. Thực tế, cũng đã rất nhiều trường thực hiện rất tốt việc này.
- Mỹ Lộc (Nam Định): Doanh nghiệp dùng “đất dạng giống bùn” để thi công tuyến đê, chủ đầu tư nói đó là đất “ướt” là thông tin trên Tạp chí Bảo vệ rừng và môi trường (baovemoitruong.org.vn) ngày 09/12. Dự án “ Củng cố khẩn cấp tuyến đê Hữu Hồng – đoạn từ Km 156 + 621 tỉnh Nam Định giai đoạn 1”, do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nông nghiệp làm quản lý và Công ty Cổ phần tập đoàn Xuân Khiêm trúng thầu, sử dụng “đất dạng giống bùn” để đắp taluy mái đê, công trình có dấu hiệu thi công ẩu, thi công kém chất lượng mặc dù công trình mới bắt đầu thi công./.