Thông tin báo chí viết về Nam Định ngày 07/7/2022

ĐIỂM BÁO

THÔNG TIN VỀ NAM ĐỊNH QUA BÁO CHÍ

(Tin ngày 07 tháng 7 năm 2022)

 

I. Thời sự - Chính trị

1. Nam Định giải quyết khó khăn, tạo đà phát triển kinh tế

(TTXVN/Baotintuc.vn/Vnanet.vn 06/7, Vũ Văn Đạt; Nhandan.vn 06/7)

 

Ngày 6/7, tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã chất vấn lãnh đạo các sở, ngành nhiều vấn đề phát sinh từ thực tế ở cơ sở được cử tri và nhân dân quan tâm. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đại biểu HĐND tỉnh đã phản ánh nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề còn tồn tại, phát sinh trong thực tế; đồng thời chất vấn lãnh đạo các sở, ngành về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn; chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế cũng như biện pháp giải bài toán thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; việc chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế...

 

Thông tin về thực trạng xử lý rác thải, chất thải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Sơn cho biết, tỉnh có 73 xã đang sử dụng bãi chôn lấp rác thải, 109 xã có lò đốt rác. Theo thống kê sơ bộ, lượng rác thải sinh hoạt, chất thải rắn trên địa bàn có xu hướng ngày càng gia tăng, khoảng 1.000 tấn/ngày. Công tác phân loại, xử lý rác thải gặp khó khăn do nhiều bãi chôn lấp rác quá tải; một số lò đốt rác sử dụng nhiều năm đã xuống cấp...

 

Trước thực tế đó, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch thêm 4-5 khu xử lý rác thải tập trung quy mô huyện, liên huyện sử dụng công nghệ hiện đại. Trước mắt, Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020; đồng thời bố trí mặt bằng điểm tập kết rác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường. UBND các huyện, thành phố rà soát lại quỹ đất và thực tế tại địa phương, chuẩn bị địa điểm, vị trí thuận lợi để thu hút nhà đầu tư, kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô huyện, liên huyện theo hướng hiện đại với quy mô mỗi khu có diện tích khoảng 10ha; tập trung cải tạo các bãi chôn lấp rác và duy trì hoạt động lò đốt rác hiện có để xử lý rác, không để rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

 

Về vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo thuốc, trang thiết bị vật tư y tế cho các cơ sở y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định Trần Trung Kiên cho hay, ngành Y tế tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Không ít cơ sở y tế, nhất là các Trạm Y tế cơ sở vật chất xuống cấp. Thời gian qua, cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, các cơ sở y tế tại Nam Định có tình trạng thiếu một số loại thuốc và trang thiết bị vật tư y tế.

 

Để giải quyết vấn đề trên, Sở Y tế tỉnh đã ký hợp đồng mua thuốc năm 2022-2023; dự kiến ngày 10/7 tới đây sẽ có một số loại thuốc cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh. Ngành Y tế tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ. Sở đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ trong công tác mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, có cơ chế, chính sách thu hút, bổ sung nhân lực cho ngành, nhất là đội ngũ bác sĩ.

 

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Nam Định cũng đã thông qua 23 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. HĐND tỉnh thống nhất thông qua Nghị quyết ban hành Quy định nguyên tắc, định mức và phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc chấp thuận bổ sung danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất trồng lúa sang mục đích khác năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc chấp thuận chủ trương thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo hình thức đối tác công tư...

 

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, từ nay đến cuối năm cũng như các năm tiếp theo, tỉnh tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

 

Tỉnh gấp rút hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Nam Định đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Bệnh viện đa khoa tỉnh; tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua tỉnh Nam Định; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công các dự án: Xây dựng cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển.

 

Nam Định phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; cầu Bến Mới; hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ; phối hợp với các tỉnh trong vùng để lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo Thông báo số 195/TB-VPCP ngày 04/7/2022 của Văn phòng Chính phủ...  Đây là những dự án động lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.

 

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo chuyển biến tích cực, thực chất để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tỉnh cũng xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước...

 

Sáu tháng qua, kinh tế của tỉnh có sự khởi sắc. Một số chỉ tiêu kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm GRDP tăng 8,37% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,07%; năm 2020 tăng 4,29%), xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 65% dự toán, tăng 26% so với cùng kỳ.

https://baotintuc.vn/dia-phuong/nam-dinh-giai-quyet-kho-khan-tao-da-phat-trien-kinh-te-20220706144310725.htm

Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nam Định khóa XIX

https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-trong-nuoc-1014/ky-hop-thu-7-hdnd-tinh-nam-dinh-khoa-xix-6207769.html

Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định thông qua 23 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-dong-nhan-dan-tinh-nam-dinh-thong-qua-23-nghi-quyet-ve-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-704161/

II. Kinh tế

1. GELEXIMCO xin đầu tư PPP Dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình

(Baodautu.vn 07/7, Anh Minh; Baogiaothong.vn 07/7)

 

Dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình nằm trong tuyến cao tốc ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng có chiều dài khoảng 109 km.

 

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Vũ Văn Tiền – Tổng giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về Dự án đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình.

 

Cụ thể, lãnh đạo GELEXIMCO đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho tập đoàn này là nhà đầu tư quan tâm và lập Đề xuất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình; đồng thời hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư công trình, làm việc với các địa phương có dự án đi qua theo đúng các quy định hiện hành.

 

“GELEXIMCO sẽ tổ chức chuẩn bị đầu tư với thời gian ngắn nhất, hiệu quả cao nhất, nhanh chóng đưa công trình vào thi công xây dựng và khai thác sớm nhất”, GELEXIMCO cam kết.

 

Theo tự giới thiệu của GELEXIMCO thì tập đoàn này được thành lập năm 1993 với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng nhưng hiện đang là một trong những tập đoàn tư nhân lớn mạnh nhất Việt Nam có số vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng; tổng tài sản 52.000 tỷ đồng.

 

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 195/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng hôm 24/6/2022.

 

Thủ tướng đánh giá tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối nhiều tỉnh, thành phố; bên cạnh tuyến đường ven biển, đầu tư tuyến đường bộ cao tốc sẽ tạo động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc là cần thiết, phù hợp với quy hoạch và cần được triển khai sớm.

 

Thông báo nêu rõ đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để UBND tỉnh Nam Định chủ trì nghiên cứu triển khai theo phương thức PPP trong giai đoạn 2017-2021.

 

Thời gian vừa qua, UBND tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình đã đề nghị đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

 

Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Do hiện nay, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, các nguồn vốn nhà nước cơ bản đã phân bổ hết nên việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là không khả thi.

 

Vì vậy, Thủ tướng thống nhất tiếp tục nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc này theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT do nhà đầu tư đề xuất.

 

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án BOT; các Bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát thủ tục, hướng dẫn UBND tỉnh Thái Bình chuẩn bị triển khai, trình phê duyệt đầu tư Dự án BOT bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

https://baodautu.vn/geleximco-xin-dau-tu-ppp-du-an-cao-toc-ninh-binh---nam-dinh---thai-binh-d169189.html

Geleximco xin đầu tư PPP cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình

https://www.baogiaothong.vn/geleximco-xin-dau-tu-ppp-cao-toc-ninh-binh-nam-dinh-thai-binh-d558395.html

III. Văn hóa - Xã hội

1. Trao hơn 55 triệu đồng đến em Nguyễn Thảo Vy mắc bệnh ung thư phần mềm

(Vietnamnet.vn 07/7, Phạm Bắc)

 

Vừa qua, đại diện báo VietNamNet cùng PCTXH, Bệnh viện K3 đã trao số tiền 55.705.500 đồng do bạn đọc ủng hộ qua báo tới tận tay gia đình em Nguyễn Thảo Vy mắc bệnh ung thư phần mềm.

 

Em Nguyễn Thảo Vy ở đội 2, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là nhân vật trong bài viết: “ Cha mẹ kiệt quệ mong níu giữ sự sống mong manh cho con gái”.

 

Căn bệnh ung thư phần mềm đột ngột ập đến với em vào đầu tháng 3/2019. Ban đầu chỉ là một khối u bất thường to bằng đốt ngón tay trỏ xuất hiện trên má. Đến khi chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương, các bác sĩ chẩn đoán Vy bị u hạch bạch huyết. Điều trị 6 tháng ròng, đến tháng 9/2019 nhưng không hiệu quả, gia đình đã đưa con đến Bệnh viện K Tân Triều.

 

Cho đến thời điểm hiện tại, các phác đồ điều trị dành cho Vy đã không còn hiệu quả. Con sẽ phải tiến hành phẫu thuật lần thứ 3 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Một đứa trẻ mới 8 tuổi chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đã chịu đựng đến 3 lần mổ, 33 mũi xạ trị, trên dưới 20 đợt hóa trị vô cùng đau đớn, sức khoẻ suy kiệt trầm trọng.

 

Căn bệnh mà em Vy mắc phải cần phải điều trị lâu dài khiến gia đình dần kiệt quệ về kinh tế. Trong lúc gia đình  rơi vào bế tắc, may mắn có bạn đọc báo VietNamNet kịp thời giúp đỡ.

 

Nhận được số tiền 55.705.500 đồng, chị Nguyễn Thị Quyên xúc động bày tỏ lời cảm ơn đến quý báo cũng như các mạnh thường quân trong và ngoài nước đã kịp thời cứu giúp gia đình trong cơn hoạn nạn.

 

“Với số tiền được các nhà hảo tâm hỗ trợ, vợ chồng tôi sẽ cố gắng dành dụm để tập trung chữa bệnh cho cháu. Hiện tại sức khỏe cháu đã chuyển biến tốt hơn nhiều, cháu vẫn đang điều trị theo lộ trình của bác sĩ”, chị Quyên nói.

https://vietnamnet.vn/trao-hon-55-trieu-dong-den-em-nguyen-thao-vy-mac-benh-ung-thu-phan-mem-2036748.html

IV. Giáo dục – Y tế

1. Nam Định hoàn tất các khâu dù nhỏ nhất tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT

(Giaoducthoidai.vn 06/7, Đình Tuệ)

 

Tính đến sáng 6/7, toàn bộ 35 điểm thi tại tỉnh Nam Định đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để sẵn sàng tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

 

Thông tin từ Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, hiện tại địa phương này đã hoàn thành công tác phổ biến quy định, quy chế thi cho đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác thi. Các điểm thi trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, an toàn, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi.

 

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Nguyễn Văn Cương - Trưởng Điểm thi Trường THPT Trực Ninh (huyện Trực Ninh) cho biết, tại đây được bố trí 30 phòng thi với 705 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 73 em là thí sinh tự do. Tổng số cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi là 65 người, nếu tính cả lãnh đạo hội đồng thi, an ninh, trật tự viên, phục vụ, y tế... là gần 100 người.

 

Trong sáng 6/7, tại đây đã họp hội đồng thi để phổ biến quy chế, quy định của kỳ thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mỗi thành viên đều được phân công nhiệm vụ cụ thể và được yêu cầu thực hiện đúng quy chế. Trong đó, địa điểm và phương án bảo quản đồ tư trang của thí sinh cũng được nhắc lại. Các cán bộ, giáo viên cũng được nghe phương án lưu giữ, bảo quản thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ tại điểm thi...

 

"Việc giao nhận đề thi cũng được thực hiện nghiêm túc dưới sự giám sát, hỗ trợ từ lực lượng Công an huyện Trực Ninh. Khu vực bảo quản đề thi được lắp đặt camera giám sát và có an ninh trực 24/24h. Tất cả các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khu vực thi đều đã được hiệp đồng giữa các bộ phận, nhất là lực lượng công an để kịp thời rà soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận nếu có" - thầy Cương nhấn mạnh.

 

Cũng theo thầy Nguyễn Văn Cương, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu xảy ra sự cố, cán bộ coi thi cần bình tĩnh xem xét để tìm cách xử lý phù hợp, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến thời gian làm bài của thí sinh. Trong trường hợp xảy ra tình huống bất thường có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho trưởng điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý. Cán bộ giám thị phải thực sự "thuộc bài" thì mới không làm sai quy chế.

 

Tại điểm thi tại Trường THPT Trần Văn Lan (huyện Mỹ Lộc) có 505 thí sinh dự thi với 22 phòng thi chính thức và 2 phòng thi dự phòng. Cô Mai Thị Lừng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các phòng thi có đủ bàn, ghế, quạt điện, điện chiếu sáng, hệ thống cánh cửa chắc chắn, an toàn. Tại cửa phòng thi đã dán số phòng thi, quy định trách nhiệm của thí sinh dự thi.

 

Cũng theo vị hiệu trưởng, điểm thi này nằm tách biệt với khu dân cư, xung quanh trường có tường bao kín nhưng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kỳ thi, nhà trường phối hợp với Công an huyện Mỹ Lộc, Công an xã Mỹ Trung cử lực lượng bảo vệ quanh khu vực thi.

 

Lực lượng Công an và đội tình nguyện tiếp sức mùa thi của trường sẽ phân luồng phương tiện từ khu vực cổng vào điểm thi, không để ách tắc giao thông; đồng thời, hướng dẫn thí sinh vào phòng thi, kiểm soát các vật dụng không được mang vào phòng thi, thí sinh nhận phiếu gửi đồ và gửi tại phòng gửi đồ theo quy định.

 

"Trong những ngày thi, trường phối hợp với Trạm Y tế xã Mỹ Trung cử 2 cán bộ y tế cùng với lực lượng y tế trường học tiến hành đo thân nhiệt cho thí sinh. Khi phát hiện thí sinh có biểu hiện sốt, ho, nghi nhiễm Covid-19, bộ phận y tế thực hiện xét nghiệm nhanh, nếu kết quả dương tính sẽ cho thí sinh thi riêng tại phòng thi dự phòng có đầy đủ các điều kiện như phòng thi chính thức", cô Lừng cho biết thêm.

 

Theo lịch, 14h chiều 6/7, các thí sinh sẽ tới điểm thi để nghe quy chế và làm thủ tục dự thi. Sáng 7/7, các em sẽ thi bài thi Ngữ văn trong 120 phút; buổi chiều cùng ngày thi Toán trong 90 phút. Ngày 8/7, thí sinh làm bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH trong 150 phút; buổi chiều thi Ngoại ngữ trong 60 phút.

https://giaoducthoidai.vn/nam-dinh-hoan-tat-cac-khau-du-nho-nhat-to-chuc-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post599772.html

2. Thí sinh tự tin chúc nhau vượt vũ môn

(Giaoducthoidai.vn 06/7, Đình Tuệ)

 

Dù phải trải qua ba năm học THPT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các sĩ tử vẫn tỏ ra khá tự tin và không quên dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp đến bạn bè trước khi bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới.

 

Chiều 6/7, các thí sinh tại Nam Định đã tới phòng thi để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ghi nhận tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) trong chiều 6/7, có nhiều thí sinh đã tới đây để làm thủ tục dự thi từ khá sớm. Ở khu vực cổng trường cũng bố trí lực lượng thanh niên tình nguyện, công an huyện để hỗ trợ, phân luồng giao thông và hướng dẫn thí sinh vào phòng thi theo đúng quy định.

 

Có mặt tại cổng trường thi từ khá sớm, em Phạm Thị Hiền vui vẻ nói: "Chúng em cũng xác định từ đầu là dù có như thế nào thì cũng sẽ cố gắng hết mình khi làm bài. Trải qua cả ba năm học THPT đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian học trực tuyến kéo dài khiến mức độ tiếp thu có bị sụt giảm phần nào. Tuy nhiên, nửa cuối học kỳ 2 vừa qua khi dịch bệnh dần được kiểm soát, chúng em được đi học trực tiếp thì cũng đã được thầy cô động viên, hướng dẫn ôn tập các kiến thức trọng tâm. Hi vọng kết quả đợt thi tới đây sẽ như mong muốn".

 

Tương tự, nữ sinh Trần Thị Hằng cho biết, những ngày gần đây em không tập trung ôn tập quá nhiều kiến thức mà chỉ đọc qua bài học. Song song với đó là lựa chọn cho mình chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý và không thức quá khuya. "Hôm nay em được mẹ đưa đến trường thi và cũng không quên nhắc nhở em cần chuẩn bị kỹ các giấy tờ cần thiết. Gặp các bạn của mình ở trường, chúng em cũng động viên và chúc nhau làm bài thi thật tốt, dù kết quả có ra sao thì mình đã thực sự cố gắng hết sức" - Hằng tâm sự.

 

Trực tiếp đưa con đến điểm thi, ông Nguyễn Văn Hùng (trú phường Lộc Vượng, TP Nam Định) chia sẻ, trong suốt thời gian vừa qua, gia đình luôn tạo mọi điều kiện để cậu con trai út có động lực học tập. Khoảng thời gian nghỉ ở nhà học online do dịch khá nhiều nên cháu cũng bị hổng nhiều kiến thức. Đây là kỳ thi vô cùng quan trọng nên gia đình phối hợp cùng thầy cô luôn sát xao, kèm cặp để cháu có thể yên tâm ôn luyện theo hướng dẫn của ngành giáo dục.

 

"Buổi tối tôi thường nhắc nhở cháu không nên thức khuya sau 22h, sáng dậy sớm tập thể dục để duy trì thể lực và tinh thần thoải mái. Ăn uống cũng cẩn thận hơn và không cho cháu ăn các món ăn lạ. Tăng cường các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể đảm bảo sức khỏe tốt trước kỳ thi quan trọng sắp tới" - ông Hùng tâm sự thêm.

 

Thầy Nguyễn Văn Đằng - Trưởng Điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, tại đây có 30 phòng thi chính thức với 709 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó học sinh lớp 12 của trường là 469 em, số em đến từ Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mỹ Lộc (cơ sở 2) là 234 em. Đây cũng là điểm thi có đông thí sinh tự do dự thi nhất tỉnh với 106 em. Hiện tại, hội đồng thi đã hoàn tất mọi khâu chuẩn bị để sẵn sàng tổ chức kỳ thi theo đúng quy định.

https://giaoducthoidai.vn/thi-sinh-tu-tin-chuc-nhau-vuot-vu-mon-post599775.html

3. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Hơn 19.870 thí sinh Nam Định làm thủ tục dự thi

(TTXVN/Vnanet.vn 06/7, Nguyễn Lành)

 

Chiều 6/7/2022, tại 35 điểm thi trên địa bàn tỉnh Nam Định, hơn 19.870 thí sinh địa phương này tập trung để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi kỳ của thi tốt nghiệp THPT.

 

Mời quý vị xem hình ảnh và chú thích chi tiết tại link sau:

https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-trong-nuoc-1014/ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2022-hon-19870-thi-sinh-nam-dinh-lam-thu-tuc-du-thi-6208055.html

4. Phụ huynh mong muốn đề thi nhẹ nhàng, vừa sức thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh

(Giaoducthoidai.vn 07/7, Đình Tuệ)

 

Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn, Bộ GD&ĐT sẽ ra đề thi cho thí sinh theo hướng vừa sức, phù hợp với bối cảnh các thí sinh phải học online quá dài vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.

 

Theo lịch của Bộ GD&ĐT, sáng 7/7, các thí sinh trên cả nước bước vào bài thi môn Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ghi nhận của Báo Giáo dục & Thời đại tại Trường THPT Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), công tác tổ chức thi được thực hiện theo đúng kế hoạch. Đúng 7h30 phút, tiếng trống phát đề chính thức cất lên cũng là lúc cánh cổng trường thi đóng lại để các lực lượng làm nhiệm vụ bên trong khu vực thi.

 

Đưa con đến điểm thi từ 6h30 sáng và đứng chờ con ngoài cổng, anh Trần Văn Hùng (trú xã Mỹ Hưng) chia sẻ: "Gia đình tôi năm nay có cháu gái đầu đi thi THPT nên cũng khá lo lắng. Từ nhiều ngày nay, tôi luôn động viên cháu nên tập trung ôn tập các kiến thức cốt lõi theo hướng dẫn của thầy cô. Do cháu đăng ký vào Khoa Báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội nên môn Ngữ văn vô cùng quan trọng. Do thời gian dài phải học trực tuyến vì dịch nên việc học hành cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, chỉ mong đề thi năm nay vừa sức với các cháu".

 

Còn chị Phạm Thị Lan - phụ huynh có con thi tại Trường THPT Mỹ Lộc cho hay, mình đã dậy từ 4h sáng để chuẩn bị nấu cơm sáng cho con trai út đi thi. Tất cả đồ dùng cần thiết cho con mang đi thi như bút viết, giấy báo dự thi, thẻ dự thi, căn cước công dân, đồng hồ, chai nước lọc chị đã soạn sẵn đầy đủ.

 

"Làm cha làm mẹ ai cũng lo lắng cho con. Hôm nay tôi không thể ngủ được vì hồi hộp. Cháu đi ngủ từ 10h tối qua và sáng nay cũng dậy lúc 5h30 để chuẩn bị đồ. Các cháu phải học hành vất vả vì dịch do phải kết hợp trực tiếp - trực tuyến trong nhiều tháng nên cũng hơi thiệt thòi. Tôi mong đề thi năm nay sẽ được ra theo hướng nhẹ nhàng, phù hợp với bối cảnh các cháu phải ba năm học liền nhau bị ảnh hưởng bởi dịch" - chị Lan bày tỏ.

 

Chủ động xin nghỉ làm trong hai ngày 7 và 8/7 để đưa con đi thi, anh Nguyễn Trọng Hoàng trú xã Mỹ Xá (huyện Mỹ Lộc) chia sẻ, mình luôn động viên tinh thần cho con trước khi thi. Một khi các cháu tâm lý thoải mái thì mới làm bài thi được tốt. Năm nay con anh Hoàng dự định đăng ký vào các trường gồm ĐH Thương Mại, Học viện Tài chính nên đặt khá nhiều nguyện vọng. Do năm nay có nhiều phương thức tuyển sinh nên anh mong đề thi tốt nghiệp THPT sẽ ra theo hướng cơ bản để các cháu có thể làm được bài.

 

Trực tiếp kiểm tra và đánh giá cao về công tác tổ chức thi tại Trường THPT Mỹ Lộc, ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh Nam Định đã động viên tinh thần cho các cán bộ làm thi và thí sinh trước giờ thi.

 

"Mỗi lần tổ chức thi đều có các biện pháp khác nhau để đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Lực lượng công an cũng đã đề cập các biện pháp phát hiện các thiết bị có thể sử dụng để gian lận thi cử. Với trách nhiệm được phân công, các cán bộ làm thi cần làm tốt nhiệm vụ của mình. Với tinh thần hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất, đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ coi thi thực hiện tốt nhiệm vụ của mình theo đúng quy chế" - ông Trần Lê Đoài nhấn mạnh.

 

Sau khi hoàn thành bài thi Ngữ văn trong sáng nay, buổi chiều nay các thí sinh sẽ bước vào bài thi môn Toán trong thời lượng 90 phút. Ngày 8/7, các em sẽ làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên; chiều cùng ngày sẽ làm bài thi môn Ngoại ngữ.

https://giaoducthoidai.vn/phu-huynh-mong-muon-de-thi-nhe-nhang-vua-suc-thi-sinh-trong-boi-canh-dich-benh-post599875.html

5. Triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học

(Giaoducthoidai.vn 06/7, Đức Trí; Giáo dục & Thời đại 07/7, tr7)

 

Ngày 6/7 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học với 7 tỉnh tham gia thí điểm: Lào Cai, Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Tháp.

 

Dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Cùng dự có TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; chuyên viên phụ trách giáo dục STEM Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT); Lãnh đạo Sở, Phòng giáo dục Tiểu học, Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng của các trường thuộc 7 tỉnh thí điểm.

 

Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết Giáo dục STEM chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, trong đó, dạy học dự án và dạy học giải quyết vấn đề là hai phương pháp dạy học được sử dụng phổ biến trong triển khai các hoạt động giáo dục STEM.

 

Trong các hoạt động giáo dục STEM thường dựa vào/tạo ra một tình huống thực tiễn để học sinh giải quyết một cách sáng tạo bằng cách sử dụng kiến thức của hai hay nhiều môn học thuộc các lĩnh vực STEM. Giáo dục STEM tạo điều kiện để học sinh rèn luyện khả năng ứng dụng toàn diện kiến thức vào việc khám phá các khía cạnh khác nhau cảu thế giới thực và giải quyết các vấn đề dưới sự định dạng của tư duy liên ngành...

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thứ Trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao vai trò, thế mạnh, sự cần thiết của giáo dục STEM và cho biết Bộ GD&ĐT rất quan tâm, mong muốn triển khai giáo dục STEM ở diện rộng, thông suốt từ giáo dục Trung học tới Tiểu học.

 

Tuy nhiên Thứ trưởng cũng chỉ ra triển khai giáo dục STEM đạt hiệu quả không dễ dàng. Muốn triển khai diện rộng giáo dục STEM đại trà bậc tiểu học cần phải có lộ trình khoa học, hiệu quả và cần thiết triển khai thí điểm

 

Hiện tại Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học tại 7 địa phương là Lào Cai, Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Tháp. Mỗi tỉnh chọn 5 đơn vị cấp huyện, mỗi đơn vị cấp huyện chọn 2 trường tiểu học để tham gia tập huấn, tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mô hình giáo dục STEM cấp Tiểu học.

 

Sau tổng kết, đúc rút kinh nghiệm các mô hình ở 7 tỉnh triển khai thí điểm, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai thí điểm diện rộng các nội dung về giáo dục STEM cấp tiểu học tại 15 địa phương: Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, TP Hồ Chí M Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bạc Liêu. Và tại mỗi tỉnh/thành phố triển khai tại tất cả các trường Tiểu học được tham gia tập huấn, tổ chức triển khai thực hiện mô hình giáo dục STEM cấp Tiểu học.

 

Tại Hội nghị, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã Triển khai Kế hoạch 526/KH-BGDĐT về triển khai giáo dục STEM cấp Tiểu học thực hiện Chương trình GDPT 2018; PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày về cơ sở lý luận về giáo dục STEM và áp dụng thực hiện ở cấp Tiểu học. Các chuyên gia giáo trình bày xung quanh vấn đề định hướng xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện nội dung STEM; Cách thức triển khai nội dung giáo dục STEM đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với cấp Tiểu học.

 

Tại Hội nghị, đại diện 7 địa phương triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học đã thẳng thắn nêu lên những thuận lợi và khó khăn vướng mắc, đề xuất cùng Bộ GD&ĐT một số vấn đề để việc triển khai thời gian tới hiệu quả.

 

Từ chia sẻ của 7 địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chỉ ra một số vấn đề khó khăn và cần tháo gỡ thời gian tới tại các địa phương.

 

Trước hết, về nội dung giáo dục STEM: Các nội dung bài dạy, chủ đề bài giảng giáo dục STEM chưa rõ ràng, cần xây dựng, điều chỉnh, cần đưa ra những mô hình tham khảo (không mang tính tuyệt đối)…

 

Về phía đội ngũ giáo viên, năng lực giảng dạy theo giáo dục STEM của nhiều giáo viên còn là thách thức. Do đó cần được các địa phương, nhà trường tập trung bồi dưỡng, bản thân giáo viên cũng cần tự học, bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn.

 

Vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không thể phụ thuộc hoàn toàn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai Chương trình GDPT mới. Các địa phương, nhà trường cần xây dựng kế hoạch, đề án, có sự tham mưu cùng UBND tỉnh để có cơ chế, chính sách hỗ trợ; đặc biệt có cơ chế pháp lý thực hiện xã hội hóa… đảm bảo yêu cầu triển khai.

 

Thời gian triển khai dự án thí điểm không cần kéo dài. Cần tiến hành triển khai, tập huấn, đánh giá… phù hợp, gọn gàng để tháng 12/2022 có tổng kết kết quả triển khai, xây dựng mô hình giáo dục STEM cấp Tiểu học, sau đó có thể bước sang tiến hành triển khai đại trà, diện rộng ở địa phương.

 

Việc tập huấn giáo viên ra sao cũng hết sức quan trọng để giúp giáo viên tiếp cận, nhận thức đúng vấn đề khi bước vào triển khai. Công tác chỉ đạo thí điểm cũng cần thể hiện rõ quyết tâm, trách nhiệm từ lãnh đạo Sở, Phòng, Trường… Việc triển khai giáo dục STEM cấp Tiểu học nếu không tâm huyết thì thí điểm khó thành công; 1 địa phương thí điểm không thành công kéo theo ảnh hưởng các địa phương thí điểm còn lại; Thí điểm không thành công cũng ảnh hưởng tới triển khai đại trả...

 

Ghi nhận những kết quả, cố gắng của 7 địa phương đang triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học, song Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ vẫn nhấn mạnh, để giáo dục STEM cấp tiểu học hiệu quả hơn nữa, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên giáo viên tham dự hội nghị cũng như tập huấn sắp tới… cần tiếp tục lắng nghe, học hỏi chuyên gia; suy nghĩ đặt câu hỏi về giáo dục STEM cấp tiểu học như một nhu cầu tự thân. Đặt được nhiều câu hỏi về quá trình triển khai để chuyên gia giải đáp thì càng hiểu sâu sắc về giáo dục STEM, biết thêm các mô hình hay, cách triển khai hiệu quả. Điều đó sẽ giúp cho việc triển khai thêm vững vàng, đúng hướng, phù hợp…

https://giaoducthoidai.vn/trien-khai-thuc-hien-thi-diem-giao-duc-stem-cap-tieu-hoc-post599804.html

V. Điểm tin đã đưa

1. Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức PPP

(Zingnews.vn 06/7; Mekongasean.vn 06/7; Thitruongtaichinhtiente.vn 06/7)

 

Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Thông báo nêu rõ đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đã được Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Nam Định chủ trì nghiên cứu triển khai đoạn cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình bằng phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) giai đoạn 2017-2021.

https://zingnews.vn/cao-toc-ninh-binh-hai-phong-duoc-dau-tu-theo-hinh-thuc-ppp-post1333278.html

Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng

https://mekongasean.vn/dau-tu-xay-dung-tuyen-cao-toc-ninh-binh-nam-dinh-thai-binh-hai-phong-post8263.html

Đầu tư tuyến Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng theo hình thức PPP

https://thitruongtaichinhtiente.vn/dau-tu-tuyen-ninh-binh-nam-dinh-thai-binh-hai-phong-theo-hinh-thuc-ppp-41362.html

2. "Lúa ma" bùng phát mạnh, nhiều hộ trắng tay

(Nông thôn ngày nay 07/7, tr8, Minh Ngọc)

 

Lúa cỏ, hay còn gọi là "lúa ma" bùng phát ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt, ở vụ Xuân 2022, diện tích nhiễm lúa ma lên đến 1.799 ha, nặng 453 ha, mất trắng 35,2 ha. Các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình bị lúa ma xâm hại nặng. Tại tỉnh Nam Định, vụ xuân 2022, lúa ma gây hại ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích bị lúa ma gây hại trên 303 ha.

 

3. Công ty tang lễ gây bức xúc ở thành Nam: Bài cuối: Không làm đúng chủ trương đầu tư?

(Nông thôn ngày nay 07/7, tr11, Đỗ Lực)

 

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, việc Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long phải thực hiện đúng nội dung tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư mà tỉnh Nam Định đã cấp.