Thông tin báo chí viết về Nam Định ngày 15/7/2022

ĐIỂM BÁO

THÔNG TIN VỀ NAM ĐỊNH QUA BÁO CHÍ

(Tin ngày 15 tháng 07 năm 2022)

I. Kinh tế

1. Huyện Giao Thủy,tỉnh Nam Định:Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nuôi tôm ở xã Giao Hà

(Ngaymoionline.com.vn 15/7, Lê Kiên; Người cao tuổi 15/7, tr10+11)

 

Trong khi đang chờ đợi Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thông báo thụ lí giải quyết Đơn khiếu nại lần hai, bất ngờ từ ngày 8/7/2022, các lực lượng xã Giao Hà và huyện Giao Thủy cho phương tiện, máy móc vào bơm hút, vây bắt thủy sản, di dời đường điện để phục vụ thi công tuyến đường bộ ven biển, mà không có bất cứ văn bản, quyết định chính thức nào được đưa ra. Đây là nội dung đơn kêu cứu của người dân nuôi trồng thủy sản ở xã Giao Hà gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí…

 

Ông Trần Văn Quân, chủ đầm tôm tại xã Giao Hà cho biết, dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua được Nhân dân đồng tình ủng hộ, chưa bao giờ có ý định cản trở, chống đối. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đo đạc, kiểm đếm tài sản trên các ao, đầm mà dân thuê để nuôi trồng thủy sản và cây trồng không được chính quyền địa phương xem xét thấu đáo, bồi thường không thỏa đáng, không giải quyết đơn khiếu nại kịp thời, mới dẫn đến dự án bị chậm tiến độ. Lỗi thuộc về chính quyền chứ không phải tại dân. Nay chính quyền cho lực lượng, cùng phương tiện vào khu vực ao đầm nuôi tôm, nơi gia đình ông đang thả 25 vạn con tôm (đã nuôi được 5 tháng, sắp đến thời điểm thu hoạch), để vây bắt tôm từ đầm nọ đổ sang đầm kia, mà không được dân đồng ý, không có bất cứ văn bản hay quyết định chính thức nào đưa ra là quá coi thường pháp luật.

 

Ông Phùng Văn Kiêm, 60 tuổi, ở xóm 5 cho biết, khu vực này có gần 20 hộ dân được UBND xã Giao Hà kí Hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất dài hạn, theo Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ “Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp”, sang “Nuôi trồng thủy sản nước ngọt” từ năm 2004. Gia đình ông Kiên quản lí, sử dụng ổn định, liên tục từ thời điểm được giao đất cho đến nay, hằng năm đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước.Kinh phí mà các hộ đầu tư cho khu nuôi thủy sản, lên đến hàng tỉ đồng.

 

Từ cuối năm 2020, chính quyền thông báo, một phần diện tích đất mà các hộ dân đang quản lí, sử dụng sẽ được Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn xã Giao Hà. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tháng chờ đợi, các hộ dân vẫn không nhận được các quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện quy trình thu hồi đất. Thứ giấy tờ duy nhất người dân được chính quyền địa phương giao cho là “Phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết” của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BTHT&TĐC), nhưng không có ngày, tháng lập; không có chữ kí, con dấu của người và cơ quan có thẩm quyền.

 

Thậm chí,“Bảng kê kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi trên đất” mà người dân chụp lại được bằng điện thoại, từ cán bộ khi thực hiện xuống thực địa kiểm đếm, đo đạc… lại không có ngày, tháng, năm; không có đại diện các cơ quan trong Hội đồng BTHT&TĐC kí, đóng dấu; hoặc đại diện các cơ quan Nhà nước có mặt tại buổi kiểm đếm kí, đóng dấu mà chỉ có một người tên là Nguyễn Đình Trang (không rõ chức vụ) kí.

 

Trong khi đó, chính quyền huyện Giao Thủy và xã Giao Hà lại yêu cầu các hộ dân chỉ mang Chứng minh Nhân dân đến UBND xã Giao Hà, để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Nhưng với số tiền bồi thường, hỗ trợ nêu trong “Phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết” là không thỏa đáng, không có cơ sở pháp lí, trái với các quy định của Luật Đất đai, tại Điều 69; Điều 88; Điều 90; Điều 91… cũng như quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ, cùng các văn bản hướng dẫn có liên quan. Đặc biệt, không đúng với Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 20/9/2016, của UBND tỉnh Nam Định, ban hành Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi (nuôi trồng thủy sản) phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; Quyết định số 62/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021, ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định.

 

Ông Kiêm cho rằng: “Chúng tôi xác định, mình chỉ là người sử dụng đất được UBND xã Giao Hà giao, thông qua Hợp đồng thuê đất, nên không thuộc diện được Nhà nước bồi thường về đất. Tuy nhiên, trên diện tích đất mà Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển, qua địa phận các hộ dân đang sử dụng, có rất nhiều tài sản có giá trị hàng tỉ đồng, cũng như giá trị đầu tư mà các hộ gia đình đã bỏ ra suốt bao năm qua. Như vậy, chúng tôi phải được bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật”.

 

Người dân cho biết, mặc dù đã làm đơn khiếu nại và được Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy thụ lí giải quyết, nhưng chính quyền huyện mới một lần duy nhất mời dân lên đối thoại vào ngày 22/4/2022, mà lại không đi đúng trọng tâm nội dung khiếu nại, nên người dân không đồng tình. Sau buổi đối thoại cho đến nay, người dân cũng không nhận được kết quả giải quyết khiếu nại, hoặc quyết định gia hạn thời hạn giải quyết khiếu nại, liên quan đến nội dung khiếu nại từ phía UBND huyện Giao Thủy, theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại, về thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu…

 

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, ngày 1/7/2022, các hộ dân tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Theo Phiếu báo phát từ Bưu cục, thì Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã nhận được đơn khiếu nại lần hai của các hộ dân. Trong khi đang chờ giải quyết đơn khiếu nại từ lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, bất ngờ từ ngày 8/7/2022, chính quyền huyện Giao Thủy và xã Giao Hà cho người, phương tiện, máy móc vào diện tích khu đang nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Quân, sắp tới đến khu đầm của các hộ khác, để thi công xây dựng, mà không có bất cứ văn bản, quyết định chính thức nào đưa ra.

 

Liên quan đến vụ việc, Tạp chí Người cao tuổi đã gửi giấy giới thiệu, nội dung và đặt lịch làm việc với Văn Phòng UBND huyện Giao Thủy từ tháng 3/2022. Ngày 12/7/2022, qua điện thoại, ông Trần Hoài Thanh, Chánh văn phòng UBND huyện Giao Thủy cho phóng viên biết, vụ việc đã giao cho Thanh tra huyện kiểm tra, làm rõ, bao giờ có kết quả sẽ trả lời cụ thể cho báo chí.

https://ngaymoionline.com.vn/can-bao-ve-quyen-loi-chinh-dang-cho-nguoi-nuoi-tom-o-xa-giao-ha-35863.html

 

2. Thu hồi dự án nhà máy nước Hải Minh ở Nam Định

(Danviet.vn 14/7, Đinh Việt)

 

Công ty Hoàng Kim - chủ đầu tư dự án Nhà máy nước Hải Minh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Doanh nghiệp khiếu nại, còn Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nam Định khẳng định việc thu hồi dự án là đúng pháp luật.

 

Tháng 11/2021 Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài: "Nam Định: Nhà máy nước sạch hai lần khởi công vẫn chậm tiến độ".

 

Loạt bài phản ánh việc Nhà máy nước Hải Minh (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu) của Công ty cổ phần đầu tư và cung cấp nước sạch Hoàng Kim (Công ty Hoàng Kim) bị chậm tiến độ và một số vấn đề về thủ tục chưa hoàn thiện.

 

Sau loạt bài của Dân Việt, mới đây, cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định có quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Hoàng Kim.

 

Cụ thể, ngày 23/5/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định (Sở KH&ĐT) ra quyết định số 29/QĐ-SKH&ĐT về việc chấm dứt hoạt động dự án; Quyết định số 30/QĐ-SKH&ĐT về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty Hoàng Kim.

 

Các lý do được đưa ra để chấm dứt hoạt động của dự án là: Công ty thực hiện dự án chậm 17 tháng, chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án.

 

Chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án và không chấp hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư.

 

Bà Vũ Thị Tuyết – Giám đốc Công ty Hoàng Kim xác nhận dự án chậm tiến độ nhưng vẫn khiếu nại Quyết định hành chính về việc thu hồi dự án của Sở KH&ĐT tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, doanh nghiệp này nêu ra 3 lý do cho việc dự án bị chậm tiến độ và cho rằng có những lý do mang tính chất "bất khả kháng".

 

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Mai Văn Quyết – Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Nam Định xác nhận đã ban hành văn bản thụ lý Đơn khiếu nại của Công ty Hoàng Kim.Hiện hội đồng giải quyết khiếu nại đang xử lý.

 

Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Nam Định khẳng định việc ký các quyết định số 29/QĐ-SKH&ĐT để chấm dứt hoạt động dự án; Quyết định số 30/QĐ-SKH&ĐT để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty Hoàng Kim là đúng pháp luật. "Không đúng pháp luật là tôi không ký"– ông Quyết nhấn mạnh.

https://danviet.vn/vi-sao-chu-dau-tu-nha-may-nuoc-hai-minh-o-nam-dinh-lai-khieu-nai-vi-bi-thu-hoi-du-an-20220711121626296.htm

3. Chậm triển khai bảo trì đường bộ, loạt Sở GTVT và Ban Quản lý dự án bị "réo tên"

(Taichinhdoanhnghiep.net.vn 15/7, Viết Dinh; Baogiaothong.vn 14/7)

 

Về việc triển khai thi công các dự án bảo trì năm 2022, nhiều đơn vị có khối lượng thi công hoàn thành thấp dưới 35% như Ban QLDA 4, Sở GTVT Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

 

Tổng cục Đường bộ VN vừa yêu cầu Các Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV; các Sở GTVT quản lý quốc lộ; các Ban Quản lý dự án (QLDA) 3, 4, 5, 8 khẩn trương triển khai thi công các dự án bảo trì năm 2022.

 

Theo đó, từ đầu năm đến nay, mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị nêu trên phải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục lập, duyệt dự án, dự toán chi phí, các thủ tục đấu thầu, thi công ngoài hiện trường các dự án sửa chữa định kỳ.

 

Đến hết tháng 6, tiến độ giải ngân mới được 45% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước 2022. Nhiều đơn vị có khối lượng thi công hoàn thành thấp dưới 35% như Ban QLDA 4, Sở GTVT Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

 

Một số đơn vị đạt tỷ lệ gói thi công hoàn thành cao đạt 75 - 100% gồm: Sở GTVT Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Hậu Giang, An Giang, Tây Ninh nhưng đây là các đơn vị có ít dự án, vốn giao không lớn.

 

Có 31/59 đơn vị khối lượng thi công hoàn thành từ 36 - 69%. Trong đó 17/59 đơn vị hoàn thành khối lượng thi công từ 50 - 69% như: Cục Quản lý đường bộ I, Cục Quản lý đường bộ IV, Ban QLDA 3, Sở GTVT Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Trị, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang. Có 15/59 đơn vị còn lại hoàn thành khối lượng từ 35 - 49%.

 

Để đảm bảo chất lượng, tiến độ sửa chữa các dự án bảo trì đường đường bộ, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu các chủ đầu tư dự án tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, triển khai thi công ngoài hiện trường.

 

Tổng cục Đường bộ giao các Vụ tham mưu, Cục Quản lý xây dựng tăng cường kiểm tra, tham mưu xử lý các đơn vị chậm thực hiện, không hoàn thành giải ngân, không hoàn thành nhiệm vụ.

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cham-trien-khai-bao-tri-duong-bo-loat-so-gtvt-va-ban-qlda-bi-reo-ten-d31213.html

Điểm danh hàng loạt Ban QLDA, Sở GTVT chậm sửa chữa hư hỏng đường bộ

https://www.baogiaothong.vn/diem-danh-hang-loat-ban-qlda-so-gtvt-cham-sua-chua-hu-hong-duong-bo-d559375.html

4. Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số cho hội viên phụ nữ

(Phunuvietnam.vn 14/7; Phụ nữ Việt Nam 15/7, tr4)

 

Hội nghị "Hỗ trợ nâng cao năng lực lãnh đạo - ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy thời kinh tế số" tổ chức vào ngày 14/7 tại tỉnh Nam Định

 

Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự phát triển của nền kinh tế số đang biến đổi toàn thế giới, tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của xã hội.Nền kinh tế số đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho những nhóm người yếu thế, bao gồm cả phụ nữ. Đặc biệt tại các địa phương, việc tiếp cận công nghệ số cũng như ứng dụng công nghệ trong công việc của các nữ cán bộ càng trở nên khó khăn do thiếu phương tiện cũng như kỹ năng.

 

Để hỗ trợ phát triển tư duy và nâng cao kỹ năng thời kinh tế số, Deloitte Việt Nam phối hợp cùng Mạng lưới nữ Lãnh đạo TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị "Hỗ trợ nâng cao năng lực lãnh đạo - ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy thời kinh tế số".

 

Hội nghị là dịp để hơn 200 người là hội viên cấp tỉnh, cấp huyện thuộc Hội LHPN tỉnh Nam Định, các cán bộ hội phụ nữ, các nữ lãnh đạo các ngành cũng như doanh nhân nữ của tỉnh nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số, tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong tham mưu, chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ.

 

Tại sự kiện, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam; Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII và bà Lương Ngọc Trâm – Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Ủy viên BCH TW Hội LHPN Việt Nam khóa XIII - Phó Chủ tịch Mạng lưới nữ Lãnh đạo TƯ Hội LHPN Việt Nam đã có những chia sẻ với chủ đề "Tự tin và chủ động – Năng lực lãnh đạo của phụ nữ trong kỷ nguyên số"  tới các lãnh đạo, cán bộ của Hội LHPN tỉnh Nam Định, các nữ lãnh đạo các ngành, doanh nhân nữ tỉnh Nam Định để nâng cao nhận thức và làm chủ công việc trong thời kinh tế số.

 

Các chuyên gia của Deloitte Việt Nam cũng dành thời gian đào tạo kỹ năng cơ bản giúp các nữ cán bộ của tỉnh hội có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc và cuộc sống. Cũng trong dịp này, đại diện ban lãnh đạo Deloitte Việt Nam trao tặng 31 máy tính xách tay trị giá tương đương 310 triệu đồng cho cán bộ Hội LHPN cấp tỉnh, huyện, thành phố. Sự hợp tác và đồng hành ý nghĩa, thiết thực này sẽ tạo nên tác động tích cực cũng như gửi đi thông điệp đầy cảm hứng đến các thế hệ lãnh đạo nữ tại địa phương. Vượt qua giá trị vật chất, món quà trao đến tập thể cán bộ, lãnh đạo của Deloitte Việt Nam còn chứa đựng sự tin tưởng về mối quan hệ gắn kết giữa 2 bên để các nữ cán bộ, lãnh đạo có thể tự tin, chủ động nâng cao năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên số của mình, tạo ra nhiều cơ hội mới cho nữ lãnh đạo tỉnh Nam Định nói riêng và phụ nữ toàn quốc nói chung.

https://phunuvietnam.vn/nang-cao-kha-nang-ung-dung-cong-nghe-so-cho-hoi-vien-phu-nu-20220714163255841.htm

5. Ưu tiên nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(Vtv.vn 13/7, Nhóm PV)

 

Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặt ra nhiều mục tiêu mới và tiếp tục ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 

Đầu tháng 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26, Nghị quyết 19 đã có sự tiếp nối và đặt ra nhiều mục tiêu mới và ưu tiên nguồn lực đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp nông dân và nông thôn.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1 năm rưỡi.Đó là kết quả quan trọng nhất từ Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là một thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử.

 

Làng Hoành đồn bây giờ có tên mới là xóm 6. Con đường vào làng đã nâng cấp đến lần thứ 3. Phố trong làng là cách ông Chi nói về quê mình lúc này nhưng 4 đứa con của ông lại lựa chọn lập nghiệp ở nơi khác.

 

Những con đường xóm ở xã Hải Quang (Hải Hậu) giờ xe ô tô vào tận cửa nhưng giờ về nông thôn, người ta vẫn thấy chủ yếu là người già và trẻ em. Nông dân và cư dân nông thôn vẫn trong tình trạng thu nhập thấp, bấp bênh, ly nông, ly hương bất đắc dĩ, thiếu việc làm. Ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng.Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm.

 

Ông Hồ Xuân Hùng, người từng tham gia tư vấn chính sách và thực hiện Nghị quyết 26 từ những ngày đầu cho rằng, Nghị quyết 19 đã đề ra những điểm mới về tư duy như lần đầu tiên khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế.

 

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành những ngành công nghiệp cho từng loại nông sản. Cùng với Nghị quyết 18 về đất đai, Nghị quyết 20 về phát triển kinh tế hợp tác, Nghị quyết 19 chính là đòn bẩy để ưu tiên nguồn lực đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

 

Nếu Nghị quyết 26 hướng trọng tâm vào hiện đại hạ tầng nông thôn, thay đổi năng suất lao động thì Nghị quyết 19 sẽ cho thấy vị trí của một nước coi nông nghiệp là lợi thế.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh". Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 mà Nghị quyết 19 hướng tới là nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

https://vtv.vn/chinh-tri/uu-tien-nguon-luc-cho-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-20220713203054693.htm

6. Nuôi thủy sản nội đồng ở Nam Định, có những ao cá trắm đen to, nông dân lãi từ 150-200 triệu/ha

(Danviet.vn 14/7, Thanh Hoa)

 

Huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) hiện có hơn 700ha nuôi thủy sản nước ngọt với sản lượng trung bình hàng năm lên đến hơn 2.400 tấn. Huyện đã quy hoạch xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Trung, Mỹ Hưng, Mỹ Tiến với các loại cá truyền thống, cá trắm đen, cá cảnh…

 

Việc phát triển và nhân rộng vùng nuôi thủy sản tập trung đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa, thuận lợi trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước tạo ra những sản phẩm đồng đều, đảm bảo chất lượng.

 

Để đạt được những hiệu quả trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện đã kết hợp với các xã tổ chức nhiều buổi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thủy sản trong và ngoài huyện; mời cán bộ chuyên môn về hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nuôi thủy sản quy hoạch ao nuôi theo tiêu chuẩn.

 

Bên cạnh đó, Phòng NN và PTNT huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả và phòng bệnh cho cá; quan tâm quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt, bảo đảm mở rộng diện tích theo đúng định hướng, tránh việc người dân nuôi tự phát, nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch.

 

Với sự giúp đỡ của ngành chức năng, trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung theo hướng bền vững. Xã Mỹ Trung có diện tích nuôi thủy sản 111ha; năng suất trung bình mỗi năm ước đạt 2,7 tấn/ha.

 

Nhiều hộ nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Ngà, xóm 11; Trần Văn Trung, xóm 10; Nguyễn Thị Láu, xóm 9; Mai Trung Lam, xóm 4… Xã Mỹ Tiến có 4 vùng nuôi tập trung tại các khu Lang Xá, La Đồng, La Chợ, Nguyễn Huệ.

 

Để việc nuôi thủy sản phát triển theo vùng nuôi tập trung đúng quy hoạch, xã đã tổ chức công khai quy hoạch, tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất theo quy hoạch, tạo điều kiện để bà con vay vốn đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ, hạn chế chắp vá, quản lý các vùng nuôi chặt chẽ, không để người dân tự phát chuyển đổi vùng nuôi thủy sản phá vỡ quy hoạch.

 

Những trường hợp cố tình vi phạm, xây nhà kiên cố trên diện tích nuôi thủy sản bị xử lý kiên quyết và chấm dứt hợp đồng. Xã Mỹ Hà có khoảng 100ha nuôi thủy sản nội đồng với trên 100 trang trại, gia trại tổng hợp, phát triển mạnh ra 15/16 thôn.

 

Hàng năm, xã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn kỹ thuật giúp các hộ nuôi thủy sản áp dụng nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn nhận đất ở vùng chuyển đổi, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại tổng hợp nuôi thủy sản.

 

Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hầu hết các hộ nuôi đã nắm vững kiến thức và áp dụng vào chăm sóc, phòng bệnh cho cá… Hiện nay, cá trắm đen vẫn là đối tượng nuôi chủ lực của xã, được nuôi hầu hết theo hình thức bán thâm canh, thâm canh năng suất cao. Cá trắm đen Mỹ Hà được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa…

 

Đặc biệt, vào dịp giáp tết còn cung ứng số lượng lớn cá nguyên liệu cho làng cá kho Nhân Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Trung bình, mỗi ha nuôi có thể thu lãi 150-200 triệu đồng. Nhiều hộ có kinh nghiệm, diện tích nuôi lớn đã đạt thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm như hộ các ông: Trần Công Quyên, Trần Công Phúc, Trần Văn Vịnh...

 

Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá lồng trên sông cũng là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện.Hiện toàn huyện có hơn 50 lồng cá trên địa bàn xã Mỹ Tân. Các hộ nuôi đều được cấp phép, hoạt động nuôi thả được sự quan tâm quản lý chặt chẽ bảo đảm sản xuất hiệu quả cũng như an toàn giao thông đường thủy, không vi phạm vào luồng tàu chạy cũng như hệ thống luồng tuyến cứu hộ.

 

Vì nguồn vốn đầu tư nuôi cá lồng trên sông không nhỏ với người nuôi nên ngoài những chính sách hỗ trợ trực tiếp, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất.

 

Với việc tổ chức đa dạng các hình thức nên những năm qua nghề nuôi thủy sản nội đồng của huyện Mỹ Lộc không ngừng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều người dân.

 

Thời gian tới, Phòng NN và PTNT huyện Mỹ Lộc sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; thực hiện tốt việc quy hoạch nhằm khai thác lợi thế về đất đai để mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 đến 2 vùng nuôi thủy sản tập trung.

 

Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động trong sản xuất, hạn chế rủi ro, phấn đấu phát triển nuôi thủy sản nội đồng bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

https://danviet.vn/nuoi-thuy-san-noi-dong-o-nam-dinh-co-nhung-ao-ca-tram-den-to-nong-dan-lai-tu-150-200-trieu-ha-20220714130433784.htm

II. Văn hóa - Xã hội

1. Nam Định: Các cấp công đoàn trong huyện Nghĩa Hưng đã có 742 sáng kiến

(Laodong.vn 14/7, Hà Anh)

 

Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2022, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. 

 

Bà Hoàng Thị Hiền - Chủ tịch LĐLĐ huyện Nghĩa Hưng cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, các cấp công đoàn trong huyện đã thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).

 

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp công đoàn trong huyện đi thăm và tặng quà cho 721 đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền là 243.600.000 đồng. Trong Tháng Công nhân năm 2022, các cấp công đoàn trong huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho tổng số 346 đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền là 127.200.000 đồng.

 

LĐLĐ huyện xét duyệt và hỗ trợ các trường hợp 41 đoàn viên, NLĐ là F0 đủ điều kiện theo Quyết định 3749 của Tổng LĐLĐVN để chi hỗ trợ; với tổng số tiền hỗ trợ là 41.000.000 đồng.

 

Ngoài ra, công đoàn các cấp trong huyện tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, đặc biệt là Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, kết quả trong giai đoạn 1 các cấp công đoàn trong huyện đã có 742 sáng kiến được đăng tải tham gia Chương trình, vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra…

 

Phát biểu tại hội nghị, bà Bùi Ánh Nguyệt – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định đã biểu dương và ghi nhận những kết quả công đoàn huyện Nghĩa Hưng đạt được trong 6 tháng đầu năm và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm công tác công đoàn của huyện trong 6 tháng cuối năm 2022.

 

Trong đó, các cấp công đoàn huyện cần tiếp tục tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho NLĐ; nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tổ chức Tết Sum vầy, thăm hỏi, tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp tục phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng CNLĐ không để tranh chấp lao động xảy ra; xây dựng và triển khai kế hoạch sơ kết, xét duyệt cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 1 Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” và tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 đạt kết quả; xây dựng và triển khai Kế hoạch Đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028… 

https://laodong.vn/ldld-nam-dinh/nam-dinh-cac-cap-cong-doan-trong-huyen-nghia-hung-da-co-742-sang-kien-1068284.ldo

2. Bộ Y tế điểm tên các tỉnh chậm tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 và 4

(TTXVN/Baotintuc.vn 14/7)

 

Bộ Y tế vừa tiếp tục cập nhật thông tin về kết quả tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và mũi 4 với người từ 18 tuổi trở lên và trẻ từ 12 - 17 tuổi.

 

Theo đó, về mũi 3 cho người trên 18 tuổi, đến nay đã tiêm tổng số 46.612.946 mũi (đạt tỷ lệ 69,6%), trong ngày 14/7 có 32 tỉnh triển khai với 58.878 người được tiêm. 5 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp là: Hải Phòng (43,6%); Quảng Nam (45,4%); Bình Thuận (48,2%); Đồng Nai (44,6%); Hậu Giang (36,7%). Các tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Thanh Hóa (94,4%); Bắc Giang (95,8%); Nghệ An (95,0%).

 

Về tiêm nhắc mũi 4: Tổng số có 6.049.410 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 30,0%), trong ngày 14/7 có 34 tỉnh triển khai với 246.356 người được tiêm. 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc thấp: Bắc Kạn (3,7%); Quảng Bình (3,8%); Bình Định (5,9%); Phú Yên (3,2%); Đồng Nai (7,8%).

 

Ba tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc cao: Phú Thọ (78,5%); Quảng Ninh (74,7%); Khánh Hòa (72,3%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Ghi nhận 8.666.634 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 99,0%; Tiêm mũi 3 đạt: 1.347.236 trẻ (15,4%).

 

25 tỉnh tiêm mũi 3 thấp dưới 10% gồm: Miền Bắc (13 tỉnh): Hà Nội; Nam Định; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Hưng Yên; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang; Cao Bằng; Yên Bái; Sơn La; Điện Biên. Miền Trung (4 tỉnh): Đà Nẵng; Quảng Nam; Phú Yên; Bình Thuận. Miền Nam (8 tỉnh): Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Rịa - Vũng Tàu; Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Đồng Tháp; Bình Dương. 4 tỉnh tiêm mũi 3 tốt: Ninh Bình (47,9%); Thanh Hóa (51,9%); Lâm Đồng (49,0%); Cà Mau (47,9%).

 

Bộ Y tế nhấn mạnh vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, do đó cần đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng.

https://baotintuc.vn/y-te/bo-y-te-diem-ten-cac-tinh-cham-tiem-vaccine-phong-covid19-mui-3-va-4-20220714183926149.htm