Thông tin báo chí viết về Nam Định ngày 19/7/2022
ĐIỂM BÁO
THÔNG TIN VỀ NAM ĐỊNH QUA BÁO CHÍ
(Tin ngày 19 tháng 7 năm 2022)
I. Thời sự - Chính trị
1. Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ tại Nam Định
(Baochinhphu.vn 19/7)
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng 19/7, tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tỉnh và Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Nam Định, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và thành phố Nam Định tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ công lao các Anh hùng Liệt sĩ.
Các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi vòng hoa viếng các Anh hùng Liệt sĩ tỉnh.
Dự lễ dâng hương có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, LLVT, đại diện các chức sắc tôn giáo tỉnh và thành phố Nam Định.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn đại biểu đã thành kính đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao các Anh hùng Liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Các vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sĩ”.
Trước anh linh các Anh hùng Liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh nguyện phát huy truyền thống anh hùng, kiên trung của các thế hệ cha anh đi trước, đoàn kết, đồng lòng phấn đấu xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ.
https://baochinhphu.vn/dang-huong-tuong-nho-cac-anh-hung-liet-si-tai-nam-dinh-102220719085658782.htm
II. Kinh tế
1. Cục Hàng hải nói gì về “siêu” bến cảng tại Nam Định của Tập đoàn Xuân Thiện
(Baodautu.vn 18/7, Anh Minh; Baogiaothong.vn 19/7)
Bến cảng chuyên dùng phục vụ cụm nhà máy thép và clinker của Tập đoàn Xuân Thiện dự kiến xây dựng tại bãi biển Nghĩa Hưng, Nam Định có thể đón được tàu trọng tải tới 300.000 DWT.
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến đối với đề nghị bổ sung bến cảng Xuân Thiện Nam Định vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1 theo đề xuất của UBND tỉnh Nam Định.
Cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Nam Định là cảng biển loại III được quy hoạch Khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy có phạm vi là vùng đất và vùng nước khu vực Ninh Cơ, từ Cửa Lạch Giang đến Cửa Đáy.
Như vậy, Khu bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện có địa điểm xây dựng thuộc phạm vi quy hoạch Khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy thuộc cảng biển Nam Định tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
Về chức năng bến cảng, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy có chức năng “phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định, có các bến cảng và công trình phục vụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa, phá dỡ tàu. Nghiên cứu xây dựng bến cảng phục vụ khu kinh tế Ninh Cơ, các cơ sở công nghiệp, dịch vụ khi có yêu cầu”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Nam Định của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nam Định đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất 7,5 triệu tấn thành phẩm/năm; Dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nghĩa Hưng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất 2 triệu tấn thành phẩm/năm.
Ngoài ra, theo tài liệu do Công ty cổ phần Xuân Thiện Nam Định cung cấp, các cơ sở công nghiệp khác thuộc Tập đoàn Xuân Thiện có nhu cầu thông qua hàng hóa tại bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định bao gồm: Dự án Nhà máy xi măng Xuân Thiện Hòa Bình công suất 10 triệu tấn xi măng/năm; Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền 3 Nhà máy xi măng Xuân Thành công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm; Dự án Nhà máy xi măng Xuân Thành giai đoạn II công suất 2,3 triệu tấn clinker/năm.
Như vậy, đề xuất của UBND tỉnh Nam Định về chức năng bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định để phục vụ các Dự án Nhà máy thép, Nhà máy xi măng nêu trên của Tập đoàn Xuân Thiện cơ bản phù hợp với chức năng được quy hoạch cho Khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy, trong đó có nội dung “nghiên cứu xây dựng bến cảng phục vụ khu kinh tế Ninh Cơ, các cơ sở công nghiệp, dịch vụ khi có yêu cầu”.
Đối với đề xuất của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nam Định về việc kết hợp chức năng khai thác, vận chuyển hàng hóa phục vụ các cơ sở công nghiệp khác và Khu kinh tế Ninh Cơ tại bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng đề xuất nêu trên có thể được xem xét trong giai đoạn các bến cảng khác tại Khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy chưa thể đáp ứng nhu cầu tại khu vực.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Xuân Thiện Nam Định có trách nhiệm báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư tại địa phương để được hướng dẫn các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa theo quy định pháp luật và thực hiện các nghĩa vụ về thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, đồng thời tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư khi các bến cảng khác tại khu vực được đầu tư xây dựng đủ để đáp ứng nhu cầu tại khu vực.
Trên cơ sở quy mô, công suất các cơ sở công nghiệp là đối tượng phục vụ của cảng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá đề xuất về quy mô bến cảng đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn với kết cấu cầu cảng thiết kế cho tàu trọng tải đến 300.000 DWT, luồng cho tàu 100.000 - 200.000 tấn hoặc lớn hơn giảm tải tận dụng mực nước để hành hải là cơ bản phù hợp với nhu cầu nhập nguyên vật liệu và xuất sản phẩm phục vụ các cơ sở công nghiệp nêu trên.
Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh, việc đầu tư bến cảng phải đồng bộ với tiến trình đầu tư các dự án công nghiệp gắn với cảng và do khu vực không có lợi thế để phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn, việc đầu tư bến cảng đòi hỏi chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm đầu ra (thép, xi măng).
Bên cạnh đó, khu vực đề xuất quy hoạch bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định tại vị trí biển hở, cao độ tự nhiên tại vị trí ra/vào bể cảng (vị trí bắt đầu được 02 tuyến đê chắn sóng, chắn cát bảo vệ) trong khoảng -12÷-14m (Hải đồ), trong khi độ sâu luồng cần thiết cho tàu 100.000 - 200.000 tấn hoặc lớn hơn giảm tải trong khoảng -16÷-23,5m (Hải đồ).
Vì vậy, Cục Hàng hải Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư cần nghiên cứu, đánh giá tính hiệu quả, khả thi của việc đầu tư tổng thể các hạng mục công trình bến cảng; khả năng nạo vét, duy trì tuyến luồng, vùng nước bể cảng đáp ứng cỡ tàu theo nhu cầu hoạt động hiệu quả của các nhà máy, cơ sở công nghiệp.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Xuân Thiện, UBND tỉnh Nam Định đã đề nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1 với vị trí bến cảng là tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy.
Các cảng này sẽ phục vụ trực tiếp các nhà máy thép tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và xuất clinker cho các nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Xuân Thiện.
Kết cấu bến cảng thiết kế tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 300.000 DWT, quy mô luồng cho tàu 100.000 DWT (cỡ tàu đến 200.000 DWT, lớn hơn giảm tải và lợi dụng mực nước để hành hải).
Luồng tàu vào bến cảng được bố trí tuyến luồng tàu chuyên dùng chung vào khu vực bể cảng có bề rộng là 200m, cao trình đáy từ -16m đến -20m (hệ Hải đồ) đáp ứng cho tàu có trọng tải 100.000 DWT (tàu trọng tải đến 200.000 DWT và lớn hơn lợi dụng mực nước, giảm tải).
Công trình đê chắn sóng, chắn cát sẽ được bố trí tuyến đê chắn sóng phía Đông Bắc có chiều dài khoảng 5,05 km và tuyến đê chắn sóng phía Đông Nam có chiều dài khoảng 5,85 km.
https://baodautu.vn/cuc-hang-hai-noi-gi-ve-sieu-ben-cang-tai-nam-dinh-cua-tap-doan-xuan-thien-d169861.html
Cục Hàng hải VN lên tiếng về đề xuất xây cảng biển 35.000 tỷ ở Nam Định
https://www.baogiaothong.vn/cuc-hang-hai-vn-len-tieng-ve-de-xuat-xay-cang-bien-35000-ty-o-nam-dinh-d559801.html
2. Nông dân Nam Định xuống đồng gieo cấy lúa mùa
(TTXVN/Vnanet.vn 18/7, Công Luật)
Trên khắp các cánh đồng trong tỉnh Nam Định, mặc cho thời tiết nắng nóng, oi bức, người dân vẫn tranh thủ xuống đồng gieo cấy lúa mùa để bảo đảm khung thời vụ. Vụ mùa năm 2022, tỉnh Nam Định gieo cấy 72.500ha và phấn đấu hoàn thành việc cấy lúa trước ngày 20/7.
Mời quý vị xem hình ảnh và chú thích chi tiết tại link sau:
https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-trong-nuoc-1014/nong-dan-nam-dinh-xuong-dong-gieo-cay-lua-mua-6228668.html
III. Văn hóa - Xã hội
1. Nâng cao tỉ lệ tiêm chủng học đường: 'Lá chắn' bảo vệ học sinh khỏi Covid-19
(Giaoducthoidai.vn 18/7, Phạm Hiền; Suckhoedoisong.vn 18/7)
Sáng 18/7, Bộ Y tế đã cập nhật thông tin mới nhất về kết quả tiêm vắc xin Covid-19 đối với nhóm từ 5 tuổi trở lên ở nước ta. Tại lần cập nhật này cho thấy với những nỗ lực của hệ thống y tế, truyền thông nên tỷ lệ tiêm chủng mũi 3 và mũi 4 của các đối tượng từ 12 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã có sự gia tăng.
Mặc dù yêu cầu của Thủ tướng là trong tháng 8 phải hoàn thành cơ bản, tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh, thành dù đã 'được' nhắc tên tiêm chậm, tiêm thấp nhiều lần nhưng đến nay vẫn không có sự thay đổi nhiều, vẫn trong danh sách này.
Về kết quả tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm từ 12-17 tuổi: Ghi nhận 8.679.535 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 99,1%; Tiêm mũi 3 đạt: 1.733.366 trẻ (19,8%).
Có 27 tỉnh, thành tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi thấp, dưới 15% gồm: Miền Bắc (12 tỉnh, thành): Hà Nội; Nam Định; Hải Dương; Hưng Yên; Quảng Ninh; Nghệ An; Hà Tĩnh; Lạng Sơn; Tuyên Quang; Hà Giang; Cao Bằng; Điện Biên.
- Miền Trung (6 tỉnh): Quảng Bình; Quảng Trị; Đà Nẵng; Quảng Nam; Phú Yên; Bình Thuận.
- Tây Nguyên (1 tỉnh): Đắc Nông.
- Miền Nam (8 tỉnh): Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai; Tiền Giang, Sóc Trăng; Trà Vinh; Đồng Tháp; Bình Dương.
Các tỉnh, thành tiêm mũi 3 cho trẻ trong độ tuổi này tốt: Thanh Hóa (54,3%); Bắc Giang (57,8%); Hậu Giang (58,6%).
Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện các biến chủng mới và tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội, trong đó có công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em. Công tác y tế trường học chăm sóc sức khỏe học sinh còn nhiều hạn chế, mạng lưới cán bộ làm công tác y tế tại các trường học còn thiếu và yếu….sự phối hợp giữa hệ thống y tế cơ sở nhất là trạm y tế cấp xã và trường học có nhiều nơi chưa hiệu quả.
https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-ti-le-tiem-chung-hoc-duong-la-chan-bao-ve-hoc-sinh-khoi-covid-19-post601155.html
Còn 44 ngày nữa: Không tiêm vaccine nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn đến 5 lần, rất nhiều tỉnh thành vẫn tiêm chậm
https://suckhoedoisong.vn//nguoi-khong-tiem-vaccine-nguy-co-mac-covid-19-cao-hon-khoang-5-lan-the-nhung-van-co-vai-chuc-tinh-tiem-cham-169220718105507546.htm
2. Tích cực tuyên truyền chính sách pháp luật tới người lao động
(Laodong.vn 18/7, Hà Anh)
Từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp công đoàn (CĐ) tỉnh Nam Định đã tích cực triển khai việc thực hiện chính sách pháp luật đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động (NLĐ).
Theo đó, các cấp CĐ tích cực phối hợp với chính quyền và chuyên môn đồng cấp triển khai thực hiện chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến NLĐ, đặc biệt chú trọng tổ chức tập huấn Bộ luật Lao động năm 2019.
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức tập huấn Bộ Luật Lao động sửa đổi 2019 cho hơn 200 cán bộ CĐ các cấp. Hiện nay, 8 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai tập huấn cho hơn 1.300 lượt cán bộ CĐ.
Các cấp CĐ còn triển khai công tác tư vấn, giúp đỡ NLĐ hiểu và thực hiện đúng pháp luật lao động. Trong đó, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 4 cuộc tư vấn lưu động về luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn cho 390 CNLĐ, giải đáp trên 100 câu hỏi. Hoạt động văn phòng tư vấn pháp luật tiếp tục được duy trì với 180 lượt NLĐ được tư vấn trực tiếp và gián tiếp.
Ông Vũ Văn Nghĩa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định - cho biết, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, kịp thời tham gia giải quyết những khó khăn, vướng mắc của CNVCLĐ. Tham gia tích cực với người sử dụng lao động tăng cường trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể, với các nội dung có lợi hơn cho đoàn viên, NLĐ.
Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật; giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo theo quy định của luật khiếu nại, tố cáo và quy định của Tổng LĐLĐVN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra giám sát; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra quản lý, sử dụng tài chính tài sản CĐ.
Tích cực tham gia xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật đối với lao động nữ; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật đối với lao động nữ, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ.
https://laodong.vn/ldld-nam-dinh/tich-cuc-tuyen-truyen-chinh-sach-phap-luat-toi-nguoi-lao-dong-1069724.ldo
3. Trồng ít nhất 100.000 cây dừa tại các đảo, tỉnh thành ven biển
(Tienphong.vn 18/7, Lưu Trinh; Kinhtemoitruong.vn 18/7)
T.Ư Đoàn sẽ phối hợp với Hiệp hội Dừa Việt Nam triển khai chương trình “Cây dừa - Vì một Việt Nam xanh”. Giai đoạn 2023-2025, hai đơn vị phối hợp huy động các nguồn lực để đảm bảo mục tiêu trồng ít nhất 100.000 cây dừa.
Đây là chương trình thiết thực nhằm hưởng ứng chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động; chương trình “Vì một Việt nam xanh” do Ban Bí thư T.Ư Đoàn phát động; chương trình “Cây dừa biển đảo” do Hiệp hội Dừa Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hải quân cùng phối hợp triển khai.
Chương trình “Cây dừa - Vì một Việt Nam xanh” được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2022; tại 28 tỉnh thành ven biển; các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và 6 đảo thanh niên, gồm: đảo Trần (Quảng Ninh); đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); đảo Cù Lao Xanh (Bình Định); đảo Hòn Chuối (Cà Mau); đảo Thổ Chu (Kiên Giang).
Chương trình cũng sẽ triển khai tại các địa phương thuộc Cụm Sông Tiền, Sông Hậu đang chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; các địa bàn tổ chức Đoàn hỗ trợ triển khai phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2023-2025, T.Ư Đoàn và Hiệp Hội Dừa Việt Nam phối hợp huy động các nguồn lực để đảm bảo mục tiêu trồng ít nhất 100.000 cây dừa, tại các địa điểm nêu trên.
Theo đó, tháng 2, 3 mỗi năm sẽ trồng 7.500 cây dừa tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Tháng 4, 5 mỗi năm sẽ trồng 7.500 cây dừa tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế.
Tháng 7, 8 mỗi năm sẽ trồng 10.000 cây dừa tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tháng 9, 10 mỗi năm sẽ trồng 10.000 cây dừa tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
https://tienphong.vn/trong-it-nhat-100-000-cay-dua-tai-cac-dao-tinh-thanh-ven-bien-post1454493.tpo
Đến năm 2025, ít nhất 100.000 cây dừa phủ xanh các đảo, tỉnh thành ven biển
https://kinhtemoitruong.vn/den-nam-2025-it-nhat-100000-cay-dua-phu-xanh-cac-dao-tinh-thanh-ven-bien-69158.html
4. Fagan tập với CLB Nam Định trước trận gặp Viettel
(Zingnews.vn 18/7, Lê Minh; Danviet.vn 19/7)
Andre Fagan đã tập buổi đầu tiên ở Nam Định trước khi chính thức đặt bút ký hợp đồng với đội chủ sân Thiên Trường vào ngày 19/7.
Fagan sẽ đầu quân cho đội bóng thành Nam Định chứ không phải CLB Bình Dương. Chiều 18/7, anh đã tập cùng đội bóng mới để chuẩn bị cho vòng đấu thứ 9 V.League vào ngày 24/7.
CLB Nam Định dự tính ký hợp đồng đến hết mùa giải 2022 với cầu thủ sinh năm 1987 kèm điều khoản gia hạn nếu cầu thủ người Jamaica thể hiện tốt. Fagan không kịp dự giai đoạn đầu của mùa giải năm nay.
Anh đã ở quê nhà suốt thời gian sau khi V.League 2021 bị hủy. Trước đó, cựu cầu thủ CLB Hải Phòng chấn thương nặng ở ống quyển sau pha va chạm với đồng đội trong một buổi tập hồi tháng 3/2021.
Suốt thời gian qua, anh được người đại diện gửi vào CLB Bình Dương để lấy lại cảm giác bóng. Bình Dương thường cởi mở với các ngoại binh thử việc để chọn ra người ưng ý. Tuy nhiên, có vẻ họ đã có phương án tốt hơn trong thời gian tới.
HLV Nguyễn Văn Sỹ sẽ gạch tên ngoại binh Marcio Marques để thay bằng Fagan. Cầu thủ người Brazil khó ra sân trong trận gặp Viettel vào ngày 19/7 trên sân Thiên Trường. Marcio đã ghi 2 bàn cho Nam Định sau sáu vòng đấu.
Đóng góp của Marcio không tệ nhưng những cơ hội cầu thủ này bỏ qua thì đáng trách hơn. Anh sút hỏng phạt đền, đá ra ngoài khi đứng trước khung thành. Điều đó khiến ban huấn luyện Nam Định thất vọng.
Với phần còn lại của mùa giải dài hơn bình thường, CLB Nam Định lựa chọn Fagan có thể xem là phương án an toàn. Tuy nhiên, anh đã ở tuổi 35 và đó cũng là trở ngại lớn nhất với cầu thủ người Jamaica.
Fagan thi đấu cho SLNA vào năm 2011 khi lần đầu đến Việt Nam. Năm 2012, anh chuyển sang CLB Hải Phòng. Tới năm 2014, anh trở lại đội bóng đất cảng và trải qua 7 mùa liên tiếp đá chính tại V.League.
CLB Nam Định mới có 3 điểm và đang chia sẻ vị trí chót bảng với CLB Sài Gòn. Họ tiếp Viettel ở vòng 8 mà chưa có Fagan vì đến ngày 21/7, thị trường chuyển nhượng V.League mới mở cửa cho đến 17/8.
https://zingnews.vn/fagan-tap-voi-clb-nam-dinh-truoc-tran-gap-viettel-post1336920.html
CLB Nam Định giải quyết bài toán ngoại binh bằng "sát thủ vòng cấm"
https://danviet.vn/clb-nam-dinh-giai-quyet-bai-toan-ngoai-binh-bang-sat-thu-vong-cam-20220719075944267.htm
5. Thông tin trước trận đấu: CLB Nam Định - CLB Viettel
(Vtv.vn 18/7; Kênh VTV1 – Bản tin Chào buổi sáng ngày 19/7)
Ngày 19/7, CLB Nam Định sẽ có màn tiếp đón CLB Viettel trên sân nhà. Năm nay Nam Định là một trong hai đội bóng chưa giành được chiến thắng nào.
Sau 2 chuyến làm khách không thành công, CLB Nam Định sẽ trở về sân nhà Thiên Trường tiếp đón CLB Viettel. Cho đến thời điểm hiện tại, CLB Nam Định vẫn là một trong hai đội bóng chưa giành được chiến thắng nào mùa này, cùng với CLB Sài Gòn.
Vị trí áp chót với chỉ 3 điểm giành được sau 6 trận đấu đang khiến đội chủ sân Thiên Trường hết sức lo lắng. Vấn đề mấu chốt lúc này là phong độ của các ngoại binh, khi cả Marcio và Rodrigo đều chưa cho thấy cái duyên ghi bàn.
Về mặt thành tích đối đầu, CLB Nam Định cũng có lý do để lo lắng khi từng để thua Viettel trên sân nhà trong 2 trận đấu gần nhất. Vì thế họ sẽ phải thực sự nỗ lực nếu muốn tạo ra bất ngờ trước các vị khách. Đội bóng của tân HLV Bae Ji Won vừa mới trở lại đường đua sau chiến thắng trước CLB Hải Phòng. Thêm một thắng lợi nữa sẽ giúp CLB Viettel áp sát nhóm đầu, trước khi trở về sân nhà tiếp đón CLB TP HCM ở vòng 9 tới đây.
https://vtv.vn/bong-da-trong-nuoc/thong-tin-truoc-tran-dau-clb-nam-dinh-clb-viettel-18h00-ngay-19-7-20220719000020813.htm
Trước trận đấu CLB Nam Định - CLB Viettel
https://vtv.vn/video/chao-buoi-sang-19-7-2022-569726.htm
IV. Pháp luật - An ninh – Quốc phòng
1. Nỗ lực “làm sạch” dữ liệu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã Anh hùng
(Cand.com.vn 19/7, Thành Nam; Công an nhân dân 19/7, tr7)
Đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại xã Nghĩa Lợi – một xã Anh hùng trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định vừa là vinh dự song cũng là thử thách đối với Công an xã nơi đây.
Bên cạnh việc bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã Nghĩa Lợi đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong tham mưu, phát huy vai trò của lực lượng Công an cơ sở, là điểm sáng góp phần bảo đảm ANTT vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân trên địa bàn…
Nghĩa Lợi là xã ven biển nằm trên dải đất phù sa bồi tụ phía Nam huyện Nghĩa Hưng, cách trung tâm huyện 30km. Nơi đây thu hút nhiều người dân lân cận có quê gốc từ các huyện khác trong tỉnh Nam Định về để “sinh cơ lập nghiệp”. Xuất phát điểm là một cộng đồng dân cư mang nhiều đặc tính văn hóa khác nhau nhưng người dân Nghĩa Lợi đã đoàn kết, kiên cường, vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương thanh bình, giàu đẹp; được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1996. Bên cạnh đó, xã Nghĩa Lợi còn hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Tiếp chúng tôi tại trụ sở khi vừa thăm hỏi các gia đình chính sách trở về, Đại úy Trần Văn Tài, Trưởng Công an xã Nghĩa Lợi chia sẻ: Đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở một xã Anh hùng vừa là vinh dự song cũng là thử thách đối với CBCS Công an xã Nghĩa Lợi. Để phát huy được truyền thống quê hương, đơn vị luôn chủ động nắm địa bàn, dự báo tình hình để tham mưu với Đảng ủy, HĐND, UBND xã ban hành những nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo kịp thời về nhiệm vụ công tác ANTT, trong đó tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm...
Mấy năm trở lại đây, Công an xã Nghĩa Lợi đã tham mưu UBND xã và là lực lượng trực tiếp triển khai, thực hiện hiệu quả Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử. Công an xã Nghĩa Lợi được ghi nhận là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Nam Định hoàn thành việc rà soát, “làm sạch” dữ liệu dân cư. Để đạt được kết quả này, ngoài nỗ lực vượt khó, Công an xã Nghĩa Lợi đã tham mưu với Đảng ủy, HĐND, UBND xã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo; nhất là đã tạo được quyết tâm chính trị cao trong việc đoàn kết, tận tụy thực hiện nhiệm vụ “làm sạch” dữ liệu dân cư.
Theo Đại úy Trần Văn Tài, thời điểm thực hiện chiến dịch CCCD là những ngày tháng kỷ niệm không quên đối với anh và đồng đội. “Công an xã có 5 đồng chí Công an chính quy thì 2 đồng chí đi học, 1 đồng chí tăng cường tổ CCCD lưu động của Công an huyện. Chính vì vậy đơn vị chỉ còn mỗi mình và một đồng chí Phó trưởng Công an xã ở nhà “chiến đấu” với 2 dự án…” - Đại úy Trần Văn Tài nhớ lại.
Nhiệm vụ mới, khối lượng công việc nhiều, phải hoàn thành trong thời gian ngắn trong khi thiếu hụt về nhân sự nhưng theo Đại úy Trần Văn Tài, bù lại các anh nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ các đồng chí Công an bán chuyên trách, Công an xã đã tranh thủ thời gian, bất kể ngày đêm, thu thập, “làm sạch” dữ liệu dân cư; đồng thời thực hiện cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân trong xã vào tất cả các ngày trong tuần. Hiện nay, Công an xã Nghĩa Lợi đang tham mưu UBND xã triển khai nhiều biện pháp đột phá để thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Công an xã là cơ quan thường trực tổ công tác thực hiện Đề án này, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức… triển khai đề án với tinh thần cầu thị, làm ngày sau rút kinh nghiệm ngày trước để đạt kết quả tốt nhất.
Cùng với đó, thời điểm lực lượng Công an “xuyên đêm” thực hiện Dự án về CCCD gắn chip điện tử cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh, số ca mắc trong cộng đồng ghi nhận mỗi ngày một cao. Xác định phải phòng ngừa tốt nguồn lây nhiễm, Công an xã Nghĩa Lợi nói riêng, Công an các xã thuộc Công an huyện, tỉnh Nam Định nói chung đã tham mưu chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm giãn cách phù hợp, tuân thủ nghiêm quy định 5K để vừa phòng, chống dịch; đồng thời hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD được giao.
Bên cạnh việc chủ động triển khai quyết liệt công tác quản lý nhân hộ khẩu để có các phương án xử lý, cách ly y tế hợp lý và đảm bảo theo đúng quy định; nhất là phải rà soát số công dân đi từ huyện, tỉnh khác, đặc biệt là đi từ vùng dịch về địa phương để kịp thời phát hiện chủ động phòng ngừa, khi có thông tin về ca bệnh hoặc nghi nhiễm, lực lượng Công an xã lập tức “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh lây lan...
Tất bật với những đề án phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và công tác phòng, chống dịch COVID-19, song Công an xã Nghĩa Lợi vẫn luôn sát sao với nhiệm vụ then chốt giữ gìn ANTT địa bàn. Nhìn vào kết quả, thành tích nhiều năm qua, nhất là khi trên địa bàn không để xảy ra trọng án, Công an xã Nghĩa Lợi nhiều lần được cấp trên biểu dương, khen thưởng. Có thể nói những chiến công đó không chỉ thể hiện bản lĩnh của CBCS Công an xã Nghĩa
https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/no-luc-lam-sach-du-lieu-dan-cu-dam-bao-an-ninh-trat-tu-tren-dia-ban-xa-anh-hung-i660892/
2. Ngậm trái đắng vì chơi… hụi
(Antg.cand.com.vn 18/7, Hiền Trâm)
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo và đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi, khiến nhiều người trắng tay, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, thế nhưng nhiều người dân vẫn chưa xem đây là bài học và tiếp tục trở thành nạn nhân của những vụ vỡ hụi.
Mới đây, vụ vỡ hụi ở xã Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định với số tiền lên đến vài chục tỉ của gần 100 nạn nhân, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng chơi hụi rồi vỡ hụi ở các vùng nông thôn.
Mới đây phóng viên ANTG nhận được đơn tố cáo của hơn 90 người là nạn nhân trong vụ vỡ hụi tiền tỉ ở xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định với số tiền lên tới vài chục tỉ đồng và hơn 100 cây vàng. Nạn nhân đều là những người thân quen của chủ hụi, hoặc người nọ giới thiệu người kia tham gia vào phường, hụi của vợ chồng ông Vũ Văn Thắng (sinh năm 1966) và bà Phạm Thị Ngọc (sinh năm 1968), cùng trú tại xã Xuân Ninh.
Theo phản ánh của người dân, vợ chồng ông Thắng, bà Ngọc làm chủ hụi hơn chục năm nay ở địa phương. Làm ăn uy tín nhiều năm, lãi trả sòng phẳng, bởi thế mà hơn chục năm nay các nhà cùng nhau gửi gắm vào hụi để mong có chút tiền lãi phụ cho cuộc sống gia đình.
Chưa kể cái “mác” ông Thắng vừa là đảng viên, vừa là xóm trưởng, đại biểu hội đồng nhân dân xã; bà Ngọc bán tiệm tạp hóa tại nhà. Gia đình ông bà Ngọc là có công với cách mạng khi bố chồng và anh chồng đều là liệt sĩ. Nhà bà Ngọc kinh tế khá giả, con cái đều thành đạt, lập nghiệp trên Hà Nội, vợ chồng còn kinh doanh chở hàng thuê vì đầu tư mấy chiếc xe tải chở hàng nên nhiều người càng thêm phần tin tưởng gửi gắm tiền và vàng vào phường hụi của gia đình bà Ngọc.
Khi chúng tôi tìm về Xuân Ninh để tìm hiểu, người dân nghe tin kéo đến rất đông, chỉ với mong ước được báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để được trả lại số tiền đã mất mà không cần đến một đồng lãi, dù họ góp tiền cả một năm nay mà chưa nhận được một đồng lãi suất nào.
Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng đa phần đều là quá tin tưởng vào chủ hụi vì là người cùng làng, lại có “thâm niên” làm chủ hụi hơn chục năm nay.
Trời nắng rát nhưng bà Phạm Thị Đào (73 tuổi) vẫn lặn lội đi bộ ra nhà văn hóa của xóm để gặp chúng tôi. Hai vợ chồng già cả, tích cóp được ít tiền lương hưu, định gửi vào hụi để có tiền lãi nuôi cô con gái thiểu năng năm nay đã 48 tuổi thì cuối cùng mất trắng. Bà bảo bà vào họ 2 cây vàng từ tháng 8-2021, trong số vàng đó có cả vàng của đứa cháu ngoại đi xuất khẩu lao động gửi về nhờ bà gửi họ để có thêm đồng lãi.
2 tháng bà sẽ đóng 1 lần, mỗi lần 4 chỉ vàng vào hụi cho bà Ngọc. Thế nhưng đến nay chưa nhận được một đồng lãi nào thì đã mất trắng. Rơm rớm nước mắt bà bảo, hai vợ chồng già cả, chồng bà năm nay cũng đã 82. Nhà có ba cô con gái thì cô út, cô cả đã đi lấy chồng, cuộc sống cũng không dư giả gì để hỗ trợ bố mẹ và em gái. Cô thứ hai bị thiểu năng từ nhỏ đến giờ 48 tuổi vẫn một mình hai ông bà già chăm lo. Bà là giáo viên về hưu, ông là công nhân đường sắt, lương hưu ba cọc ba đồng, trong khi hai vợ chồng già bệnh tật đầy mình, ngày ngày tốn bao nhiêu tiền thuốc tiểu đường, huyết áp, sỏi thận nhưng vẫn chắt bóp từng đồng gửi hụi, mong sau này có tiền lãi nuôi cô con gái bệnh tật đề phòng lúc ông bà khuất núi. Trước ngày bà Ngọc tuyên bố vỡ nợ, bà Đào có đến nhà gặp bà Ngọc để xin lấy họ trước cho đứa cháu về xây nhà, thì bà Ngọc có bảo là không đủ khả năng chi trả nhưng xin bà giữ kín chuyện này để còn đi thu họ của những người khác. Vậy là bà Đào lại cả nể, không nói cho ai biết chuyện vỡ nợ của bà Ngọc, và ngậm ngùi tay trắng đi về.
Bi kịch hơn là câu chuyện của bà Mai Thị Hiền năm nay đã 70 tuổi. Bà đang bị suy tim giai đoạn nặng nhất. Chồng mất sớm, không có con cái, bà ở cùng cô cháu gái cũng chồng mất khi tuổi đời còn rất trẻ. Hai cô cháu sống nương tựa vào nhau khi trái gió trở trời. 250 triệu đồng là số tiền bà Hiền tích cóp cả cuộc đời nhưng sau khi gửi cho chủ hụi, giờ bà mất trắng vì chủ hụi tuyên bố phá sản.
Chị Phạm Thị Nhàn vốn chỉ làm nông nghiệp, chồng làm công nhân may, lương ba cọc ba đồng. Cả nhà hai vợ chồng nuôi 3 đứa con nhỏ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tất cả trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của anh chồng. Chị chơi hụi từ năm 2006, vì thấy có lãi cho các con ăn học nên theo từ đó đến giờ. Từ năm ngoái, tin tưởng vào bà Ngọc, chị bắt đầu chơi cho cả chồng và cô em gái 6 dây họ (110 triệu đồng). Cô em gái đang đi xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc) cũng gửi tiền về nhờ chị chơi giúp để có thêm đồng ra đồng vào, cuối cùng cũng mất trắng theo vợ chồng người chị. Áy náy với em, nhưng chị Nhàn cũng chẳng thể làm được gì bởi bản thân chị cũng mất số tiền lớn. Bố chị khi nghe thông tin vỡ hụi, hai cô con gái mất nhiều tiền cũng tăng xông mà phải vào viện cấp cứu.
Bà Phạm Thị Lâm, hàng xóm của bà Ngọc cũng vì tin tưởng mà mất hơn 300 triệu đồng. Chồng bà Lâm ốm đau, hầu như tháng nào cũng phải đi viện một lần vì bệnh phổi tắc nghẽn. Có hơn 300 triệu đồng tích cóp bà đều gửi vào họ để có thêm đồng lãi hàng tháng đưa chồng đi viện điều trị. Không chỉ lấy tiền nhà chơi, bà còn chơi hộ cho người chị họ hơn 50 triệu. Trước khi bà Ngọc vỡ nợ, bà Lâm có đến xin lấy tiền trước để đưa chồng đi viện thì bà Ngọc không cho lấy trước với lý do “nhiều người tháng này lấy họ nhiều quá rồi”.
Còn chị Mai Thị Quế (sinh năm 1979) không chỉ gửi tiền họ cho bà Ngọc mà còn chơi giúp 5 công nhân đang làm thuê cho mình với tất cả số tiền lên tới 555 triệu đồng giờ cũng mất trắng. Chị bảo, vì chơi hộ công nhân, nên giờ chị đang áy náy với họ lắm, tự nhiên mình lại thành con nợ của họ, nhưng bản thân chị cũng đang mất rất nhiều tiền. Số tiền tích cóp cả đời cuối cùng thành tay trắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả những người đóng tiền hụi cho vợ chồng ông Vũ Văn Thắng và bà Phạm Thị Ngọc đều chỉ biết mang tiền, mang vàng đến kí nhận bằng những giấy tờ viết tay đơn giản, chỉ ghi ngày, số tiền và người gửi ký tên.
Các nạn nhân tham gia góp hụi bằng hình thức vàng và tiền. Với tiền, mức lãi suất 15%/ tháng. Với vàng, 2 tháng người dân đóng 1 lần, mức lãi tương đương gần 7%/tháng. Nhưng số tiền lãi hầu hết đều tự thỏa thuận bằng miệng và tùy từng người, từng đối tượng mà có số lãi khác nhau. Người lấy trước trả lãi cho người lấy sau. Mỗi phường 15 người. Khi chủ phường tuyên bố vỡ nợ, nhiều người dân cho biết họ không biết phường hụi của mình có những ai.
Hơn chục năm làm chủ hụi, tiền lãi rồi tiền vốn ông Thắng bà Ngọc thường đúng hẹn nên càng ngày càng tạo được niềm tin với tất cả người dân xã Xuân Ninh. Từ những người hàng xóm thân quen, đến họ hàng thân thích, người nọ mách người kia mà số người vào họ ngày càng nhiều.
Như bà Đặng Thị Hà (sinh năm 1972) vốn là bạn thân hơn 20 năm của bà Ngọc cũng ngậm ngùi cay đắng khi bị bạn lừa mất hơn 300 triệu. “Sáng nào cũng đi bộ rồi cafe với nhau. Hơn 20 năm nay chơi thân với nhau như hình với bóng. Nhà bà Ngọc có gì mua gì, làm gì cho con là kể hết cho tôi. Vào hơn 300 triệu nhưng chưa lấy được một đồng lãi nào. Tôi xin lấy sớm thì lại bảo nhường người khác. Giờ thì mất trắng. Trước khi tuyên bố vỡ nợ ngày 8-5-2022 (tức ngày 8-6-2022), bà Ngọc vẫn sai chồng đi thu họ các nhà với lý do thu còn trả cho người nghèo hơn, người đến ngày lấy họ”, bà Hà cho biết.
Không chỉ bà Hà mà những người dân có mặt đều phản ánh trước khi tuyên bố vỡ nợ nhiều ngày, camera hàng xóm đã check được hình ảnh vợ chồng bà Ngọc mang hết đồ đạc, xe cộ gửi đi Hà Nội lúc 3h sáng. Vì thế khi tuyên bố vỡ nợ, mọi người đều nghi ngờ hai vợ chồng bà Ngọc đã kịp mang tài sản tẩu tán từ trước đó.
Theo Thiếu tá Hoàng Thọ Tân, Trưởng Công an xã Xuân Ninh, Công an xã Xuân Ninh đã tiếp nhận 91 đơn của bị hại và chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu lên cơ quan điều tra công an huyện Xuân Trường. Bị hại mất ít nhất hơn 40 triệu đồng, người nhiều nhất hơn 2 tỷ. Có nhiều bị hại khai báo, gửi đơn tố cáo, nhưng có nhiều người gửi đơn nên chưa thể thống kê hết số tiền thiệt hại cụ thể là bao nhiêu. Khi bà Ngọc tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng chi trả, người dân kéo đến trước nhà rất đông, căng thẳng, lời qua tiếng lại nhưng Công an xã đã kịp thời có mặt để nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động bà con nhân dân làm theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, Công an huyện Xuân Trường cũng đã triệu tập hai vợ chồng ông Thắng, bà Ngọc lên làm việc. Hiện tại nhà bà Ngọc vẫn cửa đóng then cài, mọi hoạt động kinh doanh đã tạm dừng.
Thực tế hiện nay, nhiều người vì tin tưởng vào sự quen biết, uy tín, bề thế của chủ hụi và bị hấp dẫn bởi tiền lời lớn nên tham gia chơi hụi. Đồng thời, khi chơi hụi, nhiều người chỉ nhớ các lần đóng hụi và bao nhiêu chân hụi để quy ra tiền chứ không có chứng từ ghi nợ rõ ràng. Khi người chơi hốt hụi mà chủ hụi có dấu hiệu hẹn lần lữa, đến nhà tìm không gặp, điện thoại không bắt máy hoặc không liên lạc được, nghĩa là có nguy cơ bể hụi. Thông thường, khi sự việc được tố cáo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng thì chủ hụi đã không còn tài sản hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú, nên khi vỡ hụi, người chơi thường lâm vào cảnh trắng tay, không nhận lại được hoặc chỉ nhận phần ít số tiền mà mình đã góp.
Trong những vụ vỡ hụi, việc xử lý để thu hồi tài sản trả lại cho người dân là hết sức khó khăn. Vì vậy, cơ quan Công an khuyến cáo người dân nên chọn lựa các kênh đầu tư, các hình thức tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn; nếu chọn hình thức góp vốn dựa vào uy tín thì phải hết sức cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn người tham gia, đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật liên quan, vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro, cũng như những vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia. Đồng thời, cảnh báo những người tổ chức tham gia góp vốn cần tuân thủ các quy định pháp luật, nghiêm cấm việc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật, cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/ngam-trai-dang-vi-choi-hui-i660802/
V. Điểm tin đã đưa
1. Phấn đấu khởi công cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình trong năm 2023
(Kênh VTV1 - Chương trình Thời sự 12h + 16h + 17h ngày 18/7; Nguoiduatin.vn 18/7; Doanhnghiepkinhtexanh.vn 18/7)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 207/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về công tác chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với tư vấn thiết kế xác định hướng tuyến, mỏ vật liệu xây dựng, quy mô đầu tư dự án, bảo đảm chặt chẽ theo quy định pháp luật; hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án trong tháng 8/2022.
https://vtv.vn/video/thoi-su-16h-vtv1-18-7-2022-569626.htm
Giao thẩm quyền đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình
https://www.nguoiduatin.vn/giao-tham-quyen-dau-tu-cao-toc-ninh-binh-nam-dinh-thai-binh-a560464.html
Phấn đấu để khởi công cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình trong năm 2023
https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/phan-dau-khoi-cong-cao-toc-ninh-binh-nam-dinh-thai-binh-trong-nam-2023-a7912.html