Văn hóa biển – Hồn thiêng sức mạnh của dân tộc Việt Nam!
Người của biển đảo Việt Nam hôm nay có nguồn gốc từ thuở hồng hoang sơ khai của biển đảo. Đó là con của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ (cha Rồng mẹ Tiên). Khi chia tay, mẹ Tiên dẫn 50 người con lên rừng và cài đặt “Mật thư rừng Bắc”. Cha Rồng dẫn 50 người con xuống biển và cài đặt “Mật sách biển Đông”. Mỗi khi có lâm tặc rừng bắc, hay có hải tặc biển Đông thì lại xuất hiện những bậc hiền tài có tiềm năng mở “Mật thư rừng Bắc”, mở “Mật sách biển Đông” để đánh tan quân xâm lược. Ở bài viết này tôi chỉ muốn đề cập đến Văn hóa biển – Hồn thiêng sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã có từ hàng nghìn đời nay.
Biển Việt Nam từ đất mũi xã Viên An (Cà Mau) phương Nam đến địa đầu phường Trà Cổ phương Bắc (Quảng Ninh) hình cong chữ S khổng lồ dài trên 3.000km. Khi nói tới một vùng biển đẹp giàu, màu nhiệm trên hành tinh này thì không đâu bằng biển Việt Nam? Khi nói tới ngư dân sinh tồn trên biển đảo thì cũng không có quốc gia nào nhỏ bé mà kiên cường, dịu dàng mà bất khuất như ngư dân Việt Nam làm chủ biển đảo của mình. Việt Nam có trên 3.000 đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với diện tích trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền.
Sinh tồn trên biển đảo rộng lớn và lâu đời đã hình thành văn hóa biển, bản sắc biển của ngư dân Việt Nam, Hải quân nhân dân Việt Nam. Xưa Yết Kiêu bơi dưới mặt nước 200m mà chỉ cần lấy hơi một lần. Yết Kiêu ngâm mình dưới biển bao lâu để có thể đục thủng 30 tàu thuyền làm cho quân Nguyên Mông phải kinh hồn bạt vía, thất bại ê chề?! Bác Hồ từ Cảng nhà Rồng đi trên con Tàu Đô đốc Latouche qua Địa Trung Hải, nơi được coi như có nền văn minh sớm nhất của nhân loại nhưng ngư dân của Địa Trung Hải cũng không cảm nhận được trời linh ứng biển nhiệm màu như ngư dân của biển đảo Việt Nam. Du khách gần xa, trong nước và quốc tế ngồi trên bãi biển ngắm nhìn biển nước giao hòa mênh mông, ngắm nhìn đảo to đảo nhỏ, đảo gần đảo xa tất cả đều trụ vững trước sóng to gió cả. Người của biển đảo Việt Nam cũng mang tầm vóc biển, mang tính cách biển. Tầm vóc biển, tính cách biển đấy chính là văn hóa biển. Nước biển mặn mòi xanh màu da trời. Đá xanh và thảo mộc trên đảo xanh màu xanh đậm như tô điểm cho mĩ cảm giữa trùng khơi. Người của biển đảo Việt Nam có nước da săn chắc của nắng gió đảo khơi. Ngư dân Việt Nam làm việc trên biển đảo không kể ngày đêm. Dân làng chài ven biển thờ hai chữ Nhật - Nguyệt (ngày thờ mặt trời, đêm thờ mặt trăng). Điều kỳ thú là khi ghép 2 chữ “Nhật” “Nguyệt” lại thì thành chữ Minh. Ngư dân Việt Nam, Hải quân Nhân dân Việt Nam yêu phong nguyệt, thích mây hồng, thơ Tiên một túi, thủy kiếm Rồng thăng, đá nước linh thiêng, trai cua ngọc báu. Tiếng nói của đảo xa, thác vào gió, vào sóng mang vào bờ bản hùng ca bi tráng, mang vào bờ những mảnh thuyền vỡ, mang vào bờ cả hài cốt của lính đảo đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của mình bị Trung Quốc xâm chiếm. Khi bịa đặt ra “đường lưỡi bò”, họ toan tính liếm cả Biển Đông, cái mà họ không bao giờ có được. Thế kỷ XIII Việt Nam có Yết Kiêu, thế kỷ XXI này Việt Nam có hàng vạn “Yết Kiêu”, những người lính đặc công nước được đào tạo bài bản hơn, giỏi hơn; những chiến binh Hải quân nhân dân và những ngư dân gan góc, quả cảm đậm chất Biển Việt Nam.
Người Việt Nam đến với biển đảo của mình, du khách quốc tế đến với biển đảo của Việt Nam có thể thả hồn trong những căn nhà của làng chài, có thể thả hồn trên bãi cát, thả hồn trên đảo gần đảo xa, thả hồn trên sóng những đêm trăng để cảm nhận văn hóa biển vừa kỳ vĩ vừa hào hoa thơ mộng.
Nam Định có 72km bờ biển nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng. Biển Nam Định có khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Thủy và có 4 cửa sông lớn: cửa Ba Lạt sông Hồng, cửa Đáy sông Đáy, cửa Lạch Giang sông Ninh Cơ và cửa Hà Lạn sông Sò. Tỉnh Nam Định có 2 trong số 5 khu vực đa dạng sinh học được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng đầu tiên của Việt Nam theo công ước RAMSA, 2 khu vực còn lại thuộc Thái Bình và Ninh Bình. Vườn quốc gia Xuân Thủy trên 7.000ha. Có trên 3.000ha đất nổi, 4.000ha đất ngập nước, trải dài qua Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh. Vùng đất cửa sông Hồng này mỗi năm lấn ra biển từ 120 – 150m do phù sa bồi đắp. Diện tích vùng đệm là 8.000ha. Biển Xuân Thủy là nơi hội tụ của chim trời, cá biển. Đặc biệt vào mùa hoa sú vẹt hương tỏa thơm ngát lại là nơi hội tụ của đàn ong tìm mật. Bãi tắm Thịnh Long có không gian bao la của mây trời biển nước – một bãi biển mang vẻ đẹp nguyên sơ với bãi cát mịn thoải dài. Những hàng phi lao bên bờ xa ngút tầm mắt tô điểm cho biển Thịnh Long một vẻ đẹp dung dị, gần gũi, thân thuộc; là 1 trong những điểm du lịch biển hấp dẫn, kích thích sự khám phá và trải nghiệm những xúc cảm riêng đặc biệt.
Quân và dân Nam Định, các bậc trí thức của Nam Định vô cùng tự hào trước tầm nhìn sách lược về văn hóa biển, kinh tế biển, quân sự biển của lãnh đạo tỉnh nhà. Với tầm nhìn từ vi mô đến vĩ mô, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhận rõ vị trí biển Nam Định kết nối với cánh cung Đông Triều mà đỉnh cao là Yên Tử có vị trí sách lược trên Vịnh Bắc Bộ ngang tầm với Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng, với Nha Trang của Khánh Hòa, với Đất Mũi của Phương Nam.
Mỗi thời khắc qua đi, biển đảo lại thêm nhiều kỳ tích bảo vệ chủ quyền rất thật mà cứ như huyền thoại.
NGƯT. Hoàng Trung Hiếu
(baonamdinh.vn)