Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024: Bứt phá thu hút đầu tư tại Nam Định: "Quả ngọt" từ nghị quyết đúng và trúng (Kỳ IV)

(Tiếp theo kỳ trước)

 

Kỳ IV: Hạ tầng đồng bộ -
môi trường đầu tư tăng sức hấp dẫn 

 

Với tinh thần “cả tỉnh như một công trường”, Nam Định đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hệ thống giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN) mang tính trọng điểm của tỉnh, gia tăng tính kết nối liên vùng, các trung tâm kinh tế lớn cũng như các cảng hàng không, cảng biển lớn phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nam Định đã và đang tăng tốc đầu tư xây dựng 5 hệ thống đường giao thông theo 5 hành lang kinh tế đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh.
Nam Định đã và đang tăng tốc đầu tư xây dựng 5 hệ thống đường giao thông theo 5 hành lang kinh tế đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh.

 

Đa dạng nguồn vốn
để tăng tốc phát triển hạ tầng

 

Để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, Nam Định đã nỗ lực, áp dụng các biện pháp sáng tạo, bền vững huy động đa dạng nguồn lực, từ các nguồn thu ngân sách đến các khoản đầu tư công nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư. Tỉnh khuyến khích các địa phương, đơn vị có các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tích cực đôn đốc, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu ngân sách Nhà nước. Với sự phát triển không của nền kinh tế, thu ngân sách của Nam Định đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Trong giai đoạn 2021-2023, tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 25.131 tỷ đồng, với mức tăng trưởng bình quân 16,3% mỗi năm. Đặc biệt, năm 2024, dự kiến thu ngân sách tỉnh sẽ tăng tới 35% so với năm trước, ước đạt khoảng 14.115 tỷ đồng. Để tối ưu hóa nguồn lực, Nam Định cũng cắt giảm chi tiêu hành chính, tiết kiệm từng đồng ngân sách Nhà nước cho các mục tiêu đầu tư phát triển chiến lược. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, tỉnh đã đưa ra giải pháp sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và phát triển đô thị. Việc ban hành cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đô thị và dân cư nông thôn không chỉ giúp tăng nguồn thu mà còn đáp ứng nhu cầu nhà ở, thúc đẩy thị trường bất động sản và tạo động lực cho đô thị hóa nông thôn. Chính sách này tạo ra nguồn lực đầu tư công đáng kể và được tái đầu tư trực tiếp vào xây dựng hạ tầng, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực cho các dự án khác. Nhờ nguồn vốn từ đấu giá đất, Nam Định đã phân cấp cho các địa phương đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới, và các công trình thiết yếu khác. Đồng thời, tỉnh đã tranh thủ huy động các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, sự hỗ trợ của Chính phủ và các nhà tài trợ, giúp hoàn thiện nhiều công trình quan trọng.

4915: Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác 874 trực tiếp nắm bắt thực tế để kịp thời hỗ trợ Tập đoàn Quanta Computer Inc., thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, kinh doanh tại Nam Định.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác 874 trực tiếp nắm bắt thực tế để kịp thời hỗ trợ Tập đoàn Quanta Computer Inc., thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, kinh doanh tại Nam Định.

Trong ba năm qua (2021-2023), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 144.106 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 12,4%/năm. Trong đó vốn ngoài Nhà nước chiếm 71,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 8,5% và tăng bình quân 13,4%. Ước năm 2024, tổng vốn đầu tư trên toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 73.650 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023; trong đó tổng nguồn vốn đầu tư công ước đạt 9.049 tỷ đồng. Từ đó, trong những năm gần đây Nam Định đã tăng tốc, tạo đột phá trong đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội lớn.

Với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân" tỉnh ưu tiên vốn cho các dự án giao thông trọng điểm, các khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn, nhằm tạo ra nền tảng hạ tầng đồng bộ và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Các dự án hạ tầng này không chỉ tạo ra động lực mạnh mẽ để thu hút vốn đầu tư tư nhân mà còn kích thích tăng trưởng kinh tế trên toàn tỉnh, mở ra cơ hội phát triển đa dạng các lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất công nghiệp.

 

Cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (thành phố Nam Định) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn tất đưa vào khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (thành phố Nam Định) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn tất đưa vào khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

 

Đột phá phát triển hạ tầng giao thông -
mạch máu của nền kinh tế

 

Giai đoạn 2011-2020, các kết nối đối ngoại liên kết lãnh thổ của tỉnh Nam Định tương đối yếu và kém lợi thế cạnh tranh so với các địa phương lân cận, còn thiếu một số tuyến đường chiến lược để kết nối vùng; kết nối hạ tầng khu vực ven biển khiến cho năng lực thông hành thấp, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông hàng hóa - dịch vụ và văn hóa liên vùng cũng như khả năng thu hút các nhà đầu tư lớn đến Nam Định. Đây từng được coi là một trong những "điểm nghẽn" lớn của Nam Định. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh đặc biệt ưu tiên huy động, bố trí nguồn lực, tạo đột phá trong đầu tư nâng cấp, xây dựng hàng loạt các tuyến đường giao thông huyết mạch, kết nối Nam Định với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và quốc gia, khắc phục được điểm yếu cốt lõi về giao thông kết nối của tỉnh trong suốt 2 thập kỷ vừa qua và tăng nhanh khả năng khơi thông nguồn lực từ các thành phần kinh tế.

Nhờ chủ động đầu tư hạ tầng, Khu công nghiệp Mỹ Thuận (thành phố Nam Định) sẵn sàng cung ứng mặt bằng để các doanh nghiệp thuận lợi đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao.
Nhờ chủ động đầu tư hạ tầng, Khu công nghiệp Mỹ Thuận (thành phố Nam Định) sẵn sàng cung ứng mặt bằng để các doanh nghiệp thuận lợi đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao.

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thiện đầu tư, thiết lập được hệ thống hạ tầng giao thông 3/5 hành lang kinh tế theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, hạ tầng giao thông hành lang Quốc lộ 10 đã hoàn thành đầu tư, khai thác từ nhiều năm nay; đây là tuyến huyết mạch giao thông của tỉnh, có dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất lớn, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là hành lang động lực chủ đạo của tỉnh. Hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài từ Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông đã cơ bản hoàn thành do hiện nay chỉ chờ cầu Đống Cao đưa vào lưu thông là sẽ hoàn tất kết nối hạ tầng giao thông hành lang này (cầu Đống Cao vượt sông Đào được khởi công từ tháng 8/2022, đã được hợp long ngày 18/9/2024, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2024); đây cũng là trục trung tâm, giúp kết nối thuận lợi phía Bắc (tỉnh Hà Nam và Thủ đô Hà Nội) và đi qua các khu vực có nhiều thị trấn đang phát triển, các khu điểm kinh tế lớn có vai trò quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng (Cao Bồ - Liễu Đề - Rạng Đông) nên được xác định là hành lang phát triển động lực chủ đạo của Nam Định đến 2030 và 2050. Hạ tầng giao thông hành lang đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 30/6/2024, chỉ chờ tỉnh Thái Bình hoàn tất xây dựng hạng mục cầu vượt sông Hồng (nằm trong dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình) là có thể kết nối, liên thông hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định). Tỉnh đã đề xuất Chính phủ ưu tiên thúc đẩy đầu tư để kết nối đưa vào sử dụng hệ thống cầu Thái Bình để bảo đảm tính liên thông kết nối giao thông vùng đồng bằng sông Hồng, phát huy hiệu quả sử dụng của tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định. Sau khi kết nối, tuyến đường ven biển đặc biệt quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian phát triển mới về phía Đông Nam cho Nam Định và các địa phương; đây là cơ hội rất lớn để thu hút nhiều dự án đầu tư lớn vào các khu kinh tế, KCN ven biển, từ đó sẽ khai thác, phát huy thuận lợi hơn những thế mạnh về biển.

 

Những bước đi chiến lược của tỉnh trong phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại từ hệ thống giao thông hiện đại, hạ tầng các khu, CCN... đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra nền tảng vững chắc, nâng cao vị thế cạnh tranh, tạo niềm tin, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Còn lại, hạ tầng giao thông cụm hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy (dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11) tỉnh đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư; đây là hành lang có dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất lớn với các thị trấn là đô thị trung tâm các huyện nằm dọc theo đường Quốc lộ 21 với khoảng cách khá gần nhau (<10km), được xác định là hành lang phát triển động lực thứ cấp của Nam Định đến 2030 và chủ đạo đến 2050. Hạ tầng giao thông hành lang cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (CT.08) đang được tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng; đây cũng là trục trung tâm, giúp kết nối thuận lợi với các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh và đi qua các thị trấn đang phát triển như thị trấn Cổ Lễ, thị trấn Liễu Đề, cũng là hành lang có vị trí quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên được xác định là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến 2030 và chủ đạo đến 2050. Trong vòng 2 năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc, thuận lợi kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng, tạo nhiều thuận lợi cho giao thông đi lại của người dân và các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa.

Cùng với đường bộ, luồng đường thủy này có vai trò "cú huých" lớn với kinh tế biển, trong đó có vận tải biển tại khu vực Nam Định nói riêng và vùng kinh tế đồng bằng Bắc Bộ đang ngày một khởi sắc với dự báo sản lượng hàng hoá vận chuyển sắp tới sẽ tăng nhanh.

 

Chủ động hạ tầng khu, cụm công nghiệp,
đón đầu làn sóng đầu tư

 

Sản xuất vải tại Công ty TNHH Top Textiles, KCN Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Sản xuất vải tại Công ty TNHH Top Textiles, KCN Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Trước làn sóng đầu tư sôi động, Nam Định đã nắm bắt cơ hội, tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng khu, CCN để sẵn sàng cung ứng cho các nhà đầu tư tiềm năng. Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 đã định hướng, thời kỳ 2021-2030 phát triển thêm 8 KCN với diện tích 1.454,80ha, cùng với 4 KCN đã hình thành (Hoà Xá, Mỹ Trung, Dệt may Rạng Đông, Bảo Minh), nâng tổng diện tích đất KCN lên 2.546ha vào năm 2030; quy hoạch 46 CCN với tổng diện tích 2.603,7ha, cùng với 24 CCN đã thành lập với tổng diện tích 496,2ha nâng tổng số lên 70 CCN với tổng diện tích khoảng 3.178,5ha. Trong giai đoạn tiếp theo (2031-2050) tỉnh sẽ mở rộng, tăng thêm 30 KCN mới với diện tích 5.843ha, nâng tổng số đến năm 2050 tỉnh có 42 KCN với tổng diện tích 8.389,48ha; đồng thời tập trung lấp đầy diện tích các CCN đã thành lập và mở rộng 11 CCN đã có với tổng diện tích mở rộng là 272,5ha, nâng tổng diện tích CCN đến năm 2050 lên khoảng 3.451ha. Với quy mô này sẽ biến Nam Định thành một trung tâm công nghiệp sầm uất của khu vực đồng bằng sông Hồng. Không chỉ mở rộng quỹ đất, Nam Định còn ưu tiên phát triển các khu, CCN tại các vị trí chiến lược dọc các trục giao thông chính, kết nối thuận lợi với các thành phố lớn và cảng biển như Hà Nội, Hải Phòng. Vị trí đắc địa này giúp các khu, CCN ở Nam Định sở hữu lợi thế cạnh tranh về liên kết, giao thương và tạo điều kiện tối đa cho chuỗi cung ứng và các hoạt động kinh tế liên vùng.

Quy hoạch không gian, dự án phát triển mới tại khu vực Bạch Long (Giao Thủy).
Quy hoạch không gian, dự án phát triển mới tại khu vực Bạch Long (Giao Thủy).

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Xác định phát triển KCN, CCN là đòn bẩy để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững vì vậy tỉnh đã quyết liệt thúc đẩy tiến độ các dự án, nhằm hoàn thiện nhanh chóng hạ tầng và chào đón các nhà đầu tư đến triển khai dự án”. Tỉnh Nam Định cũng tích cực cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu quy trình, giúp các dự án nhanh chóng đi vào triển khai. Những bước đi mạnh mẽ của tỉnh đã sớm đem lại hiệu quả tích cực, như việc thúc đẩy nhanh các dự án hạ tầng cho các KCN Hải Long, Minh Châu, Nam Hồng đã có nhà đầu tư quan tâm tiếp cận. Đặc biệt, ngày 23/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định 1245/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Trung Thành trên diện tích 200ha tại các xã Yên Trung, Yên Thành (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Ý Yên), đánh dấu bước tiến mới cho hạ tầng công nghiệp của tỉnh.

 Sản xuất vải tại Công ty TNHH Top Textiles, KCN Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Sản xuất vải tại Công ty TNHH Top Textiles, KCN Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Một trong những điểm nhấn đặc biệt của Nam Định trong công cuộc phát triển hạ tầng KCN là tỉnh đã chủ động quy hoạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông (Aurora IP) trên tổng diện tích gần 2.200ha.  KCN này không chỉ đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất dệt nhuộm mà còn thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. KCN Dệt may Rạng Đông được xem là điển hình cho chiến lược phát triển bền vững của Nam Định, gắn liền với ngành thời trang và dệt may bền vững đến năm 2035, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho thị trường trong nước và quốc tế. Hiện KCN Dệt may Rạng Đông đã hoàn tất đầu tư xây dựng hạ tầng và đang tăng tốc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

(Còn nữa)
Thanh Thúy

(baonamdinh.vn)