Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024: Bứt phá thu hút đầu tư tại Nam Định: "Quả ngọt" từ nghị quyết đúng và trúng (Kỳ V)
Tiếp theo và hết)
Kỳ V: Khai thác, phát huy lợi thế -
Hướng tới tương lai bền vững
"Đầu xuôi, đuôi lọt". Những cái khó trong thu hút đầu tư (THĐT) vào tỉnh đã dần được tháo gỡ, cải thiện; đặc biệt uy tín, vị thế của tỉnh đối với các nhà đầu tư được nâng lên một tầm cao mới. Đó là nền tảng, vốn quý trong hành trang của tỉnh để tiến vào thực hiện những mục tiêu lớn trong giai đoạn mới.
|
Đồng chí Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra, nắm bắt để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. |
Sớm vượt mục tiêu,
hướng tới quy hoạch dài hạn
Từ kết quả đạt được năm 2023 vượt xa mục tiêu về tổng số vốn THĐT giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Tỉnh ủy đã tạo nền tảng để Nam Định "bứt tốc" hướng đến mục tiêu thực hiện thắng lợi quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh: Để đạt được các mục tiêu đến năm 2030, cần thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào các dự án phát triển trọng điểm với tốc độ nhanh hơn và hiệu quả cao hơn nữa so với những gì tỉnh đã làm được trong những năm vừa qua.
Trong bối cảnh, dòng vốn FDI tại Việt Nam duy trì tăng trưởng tốt nhờ lợi thế các chính sách ưu đãi thuế cùng với việc nhiều doanh nghiệp quốc tế đang dịch chuyển dần ra miền Bắc tìm kiếm các địa điểm mới cho sản xuất và chuỗi logistics, xét về dài hạn, Nam Định còn nhiều khía cạnh có giá trị hấp dẫn cao với nhà đầu tư. Cụ thể là, tỉnh được Chính phủ xác định sẽ là một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng; điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng. Đặc biệt gần đây Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSH đến 2030, tầm nhìn đến 2045 là điều kiện đặc biệt quan trọng để Nam Định phát triển, trong đó việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý tổ chức và bộ máy nhằm đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bối cảnh trong nước với sự phát triển của vùng đồng bằng Bắc bộ, trong đó đặc biệt là Nam Định có tuyến cao tốc Bắc - Nam và nằm trong miền ảnh hưởng của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; với sự kết nối của các liên kết không gian liên vùng, liên lãnh thổ trong xu thế phát triển chung và mối liên quan được phân công cùng có lợi, Nam Định sẽ được ảnh hưởng bởi lợi thế của sự quan tâm đầu tư phát triển và chi tiêu đầu tư ưu tiên của Nhà nước trong vùng; đặc biệt là từ việc xây dựng các kết cấu hạ tầng, kết nối liên vùng đang được Đảng, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh đầu tư.
|
Hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông. |
Bên cạnh đó, Nam Định nằm ở vị trí chiến lược, gần các trung tâm công nghiệp lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, rất thuận lợi cho việc kết nối giao thông và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt qua các tuyến cao tốc. Nam Định là cửa ngõ giao thông đường thuỷ của miền Bắc, là trạm quan trọng trên tuyến đường thuỷ ven biển quốc gia, nơi có cảng biển và điều kiện thuận lợi cho phát triển khu kinh tế ven biển; ngoài ra còn có 72km đường bờ biển với tiềm năng rất lớn để phát triển đô thị biển, kinh tế biển. Điều kiện như vậy, kinh tế biển Nam Định chỉ sau Hải Phòng và Quảng Ninh về lợi thế phát triển trong vùng ĐBSH. Về phát triển công nghiệp, Nam Định có lợi thế trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ đạo, xương sống, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực: Dệt và sản xuất trang phục; cơ khí; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; da giày và sản phẩm có liên quan. Riêng ngành dệt may tỉnh Nam Định chiếm 8-10% giá trị sản xuất cả nước, thể hiện vai trò trung tâm khu vực Nam ĐBSH. So với các địa phương vùng ĐBSH, quy mô giá trị tăng thêm ngành may mặc tỉnh Nam Định đứng thứ 2/11 tỉnh, chỉ sau Hà Nội. Nam Định là mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử, Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngƣỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” rất thuận lợi cho hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch với một số tỉnh ĐBSH, tiêu biểu nhất là các loại hình du lịch văn hóa - tâm linh phía Bắc theo hệ thống: Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) - Đền Trần, Phủ Dầy (Nam Định) - Tam Chúc (Hà Nam) - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) - Yên Tử (Quảng Ninh). Nam Định luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số giáo dục, vì vậy có lợi thế rất lớn về chất lượng nguồn nhân lực so với nhiều địa phương khác cả về lao động thủ công và lao động chất xám, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra hiện nay.
Tăng tốc phát triển theo Quy hoạch tỉnh
Đặc biệt, Nam Định đang quyết liệt, khẩn trương hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh (QHT) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều phần việc đã cho kết quả bước đầu đưa tỉnh vào guồng "tăng tốc" phát triển. Nam Định đã và đang tập trung đầu tư mạnh vào hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, kết nối liên vùng và quốc gia trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, CCN, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và thu hút các nhà đầu tư. Để mở ra không gian mới cho phát triển, tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ theo ý kiến của các bộ, ngành Trung ương để được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến Khu Kinh tế Ninh Cơ có quy mô 13.950ha và sẽ mở rộng thêm 35 nghìn ha sau năm 2030 theo hướng trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy, mang tính đột phá của tỉnh và vùng ĐBSH với mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, gồm: Khu đô thị, KCN, khu cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng, khu du lịch; đồng thời chuyển đổi sinh kế người dân ở bãi ngang, bãi bồi sang đánh bắt, nuôi biển kết hợp hình thành các trung tâm điện gió ngoài khơi. Từ đó sẽ tạo “cú huých” phát triển kinh tế - xã hội nhờ sự kiến tạo, mở rộng không gian mới về phía biển với nhiều dư địa cho đầu tư. Tại khu kinh tế này khi hoàn tất xây dựng hạ tầng, đưa vào cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp không chỉ được trang bị hạ tầng kỹ thuật đồng bộ mà còn có chính sách, cơ chế ưu đãi, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh quyết tâm của tỉnh trong việc chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào các "cuộc chơi" chiến lược lớn, thúc đẩy sự đoàn kết và đổi mới sáng tạo, tận dụng mọi cơ hội để Nam Định “cất cánh”.
|
Đoàn Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức khảo sát về nguồn nhân lực tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. |
Trong thời gian tới, Nam Định cần phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đoàn kết, “quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”; bám sát, kịp thời triển khai nhanh các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và THĐT. Thiết lập các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tinh giản, thuận lợi cho đầu tư; khẩn trương hoàn thành bộ tiêu chí về đầu tư nhằm tận dụng tối đa lợi thế của địa phương, thu hút các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhanh chóng hoàn thiện cơ cấu hạ tầng kỹ thuật; thúc đẩy việc đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao, với các kỹ năng đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng nhằm phát triển công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông, lâm sản tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Thu hút các doanh nghiệp, đối tác đem theo công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại; các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới; các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đến từ các nền kinh tế phát triển như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… tạo tác động lan tỏa tích cực tới sự phát triển của khu vực kinh tế trong nước; góp phần xây dựng và hình thành những ngành công nghiệp mũi nhọn theo định hướng của tỉnh như: công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy một lần nữa cũng khẳng định: Nam Định cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, mở ra tương lai phát triển bền vững, là điểm đến tin cậy của các tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Với những thành tựu và định hướng rõ ràng, Nam Định đang vững vàng trên con đường trở thành trung tâm THĐT lớn của khu vực. Tỉnh cam kết sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hấp dẫn hơn nữa, đồng thời tập trung vào phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và bảo vệ môi trường. Đây là nền tảng để Nam Định trở thành một điểm đến tin cậy, thu hút những dự án đầu tư lớn và bền vững, góp phần xây dựng tỉnh thành một điểm sáng về phát triển kinh tế- xã hội cho khu vực và cả nước./. |
Thanh Thúy
(baonamdinh.vn)