Nghĩa Thái nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện

Là xã thuần nông nhưng Nghĩa Thái lại là đơn vị đầu tiên của huyện Nghĩa Hưng về đích nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu với tiêu chí nổi trội chuyển đổi số (CĐS). Đây là kết quả của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Đảng ủy, UBND xã; sự nỗ lực, kiên trì, sáng tạo của các ngành, đoàn thể trong tổ chức, triển khai các phong trào thi đua cụ thể, các cuộc vận động để tạo sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện CĐS toàn diện với mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Người dân xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) thanh toán trực tuyến trong giao dịch thương mại.

 

Sau khi hoàn thành xây dựng NTM nâng cao năm 2020, Nghĩa Thái được huyện chọn là xã điểm tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu. Đồng chí Trần Hải Triều, Chủ tịch UBND xã cho hay: Xác định CĐS là nhiệm vụ tất yếu, triển khai sớm ngày nào thì chính quyền và nhân dân được hưởng thụ lợi ích ngày đó nên Đảng ủy, UBND xã đã lựa chọn và quyết tâm thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu nổi trội về CĐS. Xã xác định 2 vấn đề then chốt trong CĐS cấp xã là đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ CĐS và nâng cao nhận thức, kiến thức về CĐS cho cán bộ, công chức và người dân.

Xã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Lắp đặt bảng thông tin điện tử, 20 cụm loa thông minh, 30 camera an ninh và phủ sóng wifi tại 15/15 nhà văn hóa thôn, xóm… đảm bảo phục vụ hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân trong xã cũng như góp phần quản lý chặt chẽ tình hình an ninh thôn, xóm bằng công nghệ số. Xã xây dựng mô hình xóm thông minh, có tổ công nghệ số cộng đồng, nhà văn hóa được trang bị các nền tảng hạ tầng kỹ thuật số như thiết bị truyền hình, loa thông minh, mạng wifi miễn phí và 100% người dân được tập huấn, phổ biến kiến thức về công nghệ số, kỹ năng sử dụng các ứng dụng nền tảng số, ứng dụng di động, dịch vụ trực tuyến. Đồng thời khuyến khích điểm bưu điện văn hóa xã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy các nhà trường, trạm y tế CĐS trong các hoạt động quản lý, giảng dạy, khám, chữa bệnh nhằm tạo sự lan tỏa nhanh chóng, thúc đẩy CĐS trong cộng đồng thông qua lực lượng cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân. Trong sản xuất, xã đã tiến hành đăng ký mã số vùng trồng cho sản phẩm gạo nếp đen đặc sản của địa phương. Đây là cơ sở để phát triển thương mại hóa cho nông sản địa phương; phục vụ yêu cầu truy xuất nguồn nguyên liệu cho sản phẩm OCOP của xã và từng bước làm thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ của nông dân về tổ chức sản xuất. Sản phẩm OCOP bánh gai Kim Cúc cũng như nhiều loại nông sản khác của các xóm được giới thiệu trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và tham gia tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Xã đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ, công chức xã, tổ công nghệ số cộng đồng của thôn để có thể đảm trách nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, đồng hành cùng người dân tham gia vào quá trình CĐS, xây dựng khu dân cư thông minh. 10 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 100 thành viên trẻ tuổi, có kỹ năng về công nghệ thông tin thuộc các lực lượng thanh niên, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thường xuyên trực ở bộ phận "một cửa" và trực tiếp xuống địa bàn hướng dẫn người dân thực hành sử dụng các ứng dụng CĐS do cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cung ứng như: Nhận thức chung về CĐS; ứng dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa VOV BACSI - 24 của Đài Tiếng nói Việt Nam; dịch vụ công trực tuyến và cách nhận diện tin nhắn, cuộc gọi rác lừa đảo trên môi trường mạng... Nhờ đó, người dân trong xã đã thông suốt quan điểm mình là chủ thể trực tiếp trong chương trình xây dựng NTM, tích cực tham gia CĐS để góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Điểm nhấn trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý điều hành của các cơ quan, đơn vị và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân ở Nghĩa Thái là xã đã ký thỏa thuận hợp tác về "CĐS  - Thanh toán số" với Viettel Nam Định. Theo đó, Viettel Nam Định hỗ trợ xã Nghĩa Thái sử dụng dịch vụ Viettel Money cho thanh toán số toàn diện như: Chi lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách; đóng học phí, thanh toán tiền điện trực tuyến. Phát triển phương thức thanh toán bằng mã QR Viettel Money cho các hộ kinh doanh và tiểu thương; thiết lập tài khoản Viettel Money cho người dân ở độ tuổi trưởng thành và áp dụng các giải pháp doanh nghiệp số của Viettel cho các đơn vị, đoàn thể tại địa phương như chữ ký số, thư mời điện tử SMS, hồ sơ sức khỏe điện tử và khám, chữa bệnh từ xa.

Bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và sự hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, công cuộc CĐS của Nghĩa Thái đã đạt thành công bước đầu là được công nhận xã NTM kiểu mẫu với tiêu chí nổi trội về CĐS. Nhiều tiêu chí của xã đạt được vượt xa so với quy định như: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của xã đạt trên 90%; 100% được giải quyết đúng hạn; xây dựng thành công mô hình chợ 4.0 và tuyến đường thanh toán trực tuyến; 80% người dân trưởng thành đăng ký sử dụng dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; trên 50% số hộ dân sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến trong chi trả hoá đơn tiền điện, nước, phí môi trường, học phí, dịch vụ hành chính công; thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt 84 triệu đồng...

Thời gian tới, Nghĩa Thái tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu về CĐS, tiến tới xây dựng NTM thông minh. Trong đó, chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc xây dựng NTM kiểu mẫu, xây dựng thôn thông minh là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân. Đồng thời tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để lắp wifi miễn phí tại các khu vực nhà văn hóa thôn, nơi sinh hoạt cộng đồng và thúc đẩy người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông. Tăng cường hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.