Từ chủ trương đúng và trúng đến thể chế kịp thời đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp vào cuộc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) ở cơ quan, đơn vị mình một cách bài bản, kiên trì và sáng tạo, “biến không thành có, biến khó thành dễ”. Đặc biệt đã nhanh chóng làm thay đổi tư duy của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và thu hút người dân tham gia, nỗ lực trở thành công dân số. Đây chính là điểm mạnh của Nam Định trong công cuộc CĐS.
Cả xã hội vào cuộc chuyển đổi số
Cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 15/10/2021 về CĐS trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chủ trương chính sách đề ra, từng đơn vị, địa phương đã chủ động nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch CĐS của đơn vị mình và tổ chức thực hiện theo tinh thần tận dụng kết quả phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đã có; đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi nhận thức và phát huy tối đa nguồn lực để xây dựng, phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu số trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tạo thành dòng chảy mạnh, “cuốn” cả những đơn vị còn chậm tư duy đổi mới phải vào cuộc, cùng nhau vì mục tiêu chung CĐS. Tỉnh đã triển khai nhiều dự án đầu tư cho CĐS như: Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) và Nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở. Ngoài hệ thống cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội; cơ sở dữ liệu các ngành, kho dữ liệu điện tử cá nhân của công dân đang được hoàn thiện giúp công dân chủ động quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử cá nhân trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hệ thống một cửa của tỉnh, đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước.
Tỉnh đã hoàn thiện, cập nhật khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 làm cơ sở tham chiếu trong triển khai thực hiện CĐS. Cả 5 lĩnh vực được ưu tiên đầu tư CĐS đều đạt được kết quả nổi trội. Trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiệm vụ CĐS đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh và nhu cầu trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên môi trường điện tử. Mô hình “CĐS tại trường tiểu học, THCS tiến tới xây dựng mô hình các trường học số trên địa bàn tỉnh Nam Định” được Bộ TT và TT tin tưởng giao cho tỉnh làm thí điểm trước khi nhân rộng trên toàn quốc. Ngành Y tế đã sử dụng hệ thống quản lý thông tin khám, chữa bệnh cho 100% trạm y tế cơ sở và liên thông với Bảo hiểm xã hội thanh toán bảo hiểm y tế. 100% bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh áp dụng các nền tảng số phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân; thí điểm sử dụng nền tảng bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử và thanh toán trực tuyến, tạo điều kiện tối đa về thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ Web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi, dữ liệu xây dựng NTM và đang triển khai Đề án CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trong giai đoạn 2021-2025…
Ở các địa phương, công cuộc CĐS được thực hiện quyết liệt ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó nổi bật là việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT toàn trình. Trên cơ sở nền tảng CNTT của tỉnh được triển khai đồng bộ với nhiều ứng dụng như hệ thống quản lý văn bản, hệ thống một cửa điện tử, chữ ký số… việc triển khai DVCTT thuận tiện, luôn sẵn sàng ở mức cao nhất và đáp ứng các yêu cầu kết nối các nền tảng, phần mềm khác. Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) tập huấn kỹ năng thực hiện DVCTT toàn trình cho tất cả cán bộ các sở, ngành, địa phương và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết, sử dụng DVCTT nhiều hơn, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, giảm áp lực công việc cho bộ máy Nhà nước. Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, ngành Công an nỗ lực thu thập dữ liệu dân cư; triển khai mô hình phối hợp giữa lực lượng Công an tỉnh và Bưu điện trong hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT. Tại Bộ phận “một cửa” ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đều bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn thực hiện DVCTT cho người dân đến làm thủ tục hành chính. Thành viên của 2.160 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, xóm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp gỡ từng người dân” để tuyên truyền về CĐS, hỗ trợ người dân thực hiện DVCTT cũng như sử dụng các dịch vụ số do chính quyền và doanh nghiệp cung cấp. Bằng cách đó đã giúp người dân dần thay đổi nhận thức về CĐS, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới, thừa hưởng những giá trị từ CĐS và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh. Tinh thần học tập nâng cao nhận thức kỹ năng số trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được tập trung cao độ, tạo nên một “xã hội học tập” để CĐS quyết liệt, rộng khắp.
Những cách làm chuyển đổi số sáng tạo
Với việc sớm ban hành Nghị quyết về CĐS, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng vào cuộc thực hiện CĐS một cách bài bản, mục tiêu rõ ràng, phương pháp linh hoạt, đa dạng. Trong đó, chú trọng việc thực hiện CĐS đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển chính quyền điện tử của tỉnh từ những năm trước. Lựa chọn ưu tiên CĐS ở 5 lĩnh vực trọng yếu có liên quan trực tiếp, nhiều nhất đến người dân là giáo dục, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông và vận tải. Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với 3 tập đoàn công nghệ viễn thông lớn là VNPT, Viettel, FPT cùng nhiều doanh nghiệp viễn thông uy tín như Công ty CP Tin học Tân Dân, Công ty TNHH IOTLink và hệ thống các ngân hàng nhằm tăng cường tiềm lực cho công cuộc CĐS của tỉnh và hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn người dân tiếp cận với các dịch vụ số.
Trong quá trình thực hiện chương trình CĐS, tỉnh luôn quán triệt tinh thần cầu thị đến các cấp, các ngành trong việc chủ động, tích cực tham vấn Văn phòng Chính phủ, Bộ TT và TT chỉ ra những ưu, nhược điểm và giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” để quyết liệt thúc đẩy lộ trình CĐS, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Sở TT và TT, cơ quan thường trực, giúp việc cho UBND tỉnh về CĐS tập trung nghiên cứu, tham mưu giúp UBND tỉnh nhiều văn bản pháp quy quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tạo ra các mô hình, sản phẩm dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số. Với tiềm năng về CNTT và kinh nghiệm tham gia xây dựng chính quyền điện tử từ nhiều năm trước, Sở TT và TT đã thể hiện vai trò dẫn dắt CĐS, truyền cảm hứng làm chủ công nghệ đến toàn bộ hệ thống và đến tận người dân, đóng góp quan trọng vào kết quả CĐS của toàn tỉnh. Trong đó Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU cũng như các kế hoạch, chương trình, đề án để cụ thể hóa chủ trương về CĐS theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về CĐS. Sở TT và TT là cầu nối phối hợp với Bộ TT và TT, các doanh nghiệp viễn thông và tận dụng hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội như Cốc Cốc, Zalo, Facebook, Youtube… để tập huấn, trang bị kiến thức CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hàng trăm nghìn lượt người dân tại các xã, thị trấn, giúp họ dễ dàng ứng dụng CĐS trong các hoạt động hàng ngày và tương tác với chính quyền, doanh nghiệp trên môi trường số. Sở đã thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ CĐS, phát huy năng lực, tính sáng tạo của cán bộ trẻ am hiểu về CNTT để nghiên cứu các giải pháp hợp lý hóa quy trình làm việc trong quá trình CĐS của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, Sở đã tham mưu triển khai các phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin của tỉnh; hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cổng DVCTT tỉnh; triển khai chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng; tổ chức diễn tập thực binh đảm bảo an toàn thông tin: Ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng, góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu đảm bảo CĐS diễn ra an toàn, đúng tiến độ.
Hàng loạt mô hình, sáng kiến CĐS đã được triển khai áp dụng, giúp thực hiện chuyển đổi toàn diện đến mọi đối tượng. Có thể kể đến: 2 sáng kiến “Tích hợp DVCTT tỉnh với phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trong giải quyết TTHC tỉnh Nam Định” và “Đổi mới công tác lập hồ sơ điện tử và giao nộp hồ sơ điện tử vào Lưu trữ cơ quan tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nam Định” của nhóm tác giả Sở TT và TT và Sở Nội vụ đã được các Bộ TT và TT, Bộ Nội vụ công nhận và biểu dương để các tỉnh, thành, đơn vị khác học tập. Sáng kiến “Ngày thứ Ba không hẹn, không giấy tờ” ở huyện Vụ Bản; “Xây dựng tuyến đường 4.0” ở Nghĩa Hưng; “Kinh nghiệm xây dựng đài truyền thanh thông minh ở Trực Ninh”; “Quét mã QR-Code để thực hiện DVCTT và tra cứu thủ tục hành chính”; “Đổi mới công tác tuyên truyền về DVCTT tại huyện Giao Thủy”…
Đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TT và TT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh khẳng định: Không chỉ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao về CĐS mà Ban chỉ đạo về CĐS từ tỉnh đến các sở, ngành và chính quyền địa phương đều chú trọng nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện CĐS. Nhiều cách làm sáng tạo của từng lĩnh vực, từng địa phương được phát huy, ứng dụng rộng rãi, tạo nên dấu ấn riêng của Nam Định trong công cuộc CĐS trên toàn quốc.