Tác phẩm tham dự giải báo chí Búa Liềm vàng lần thứ IX-2024: Hiệu quả chuyển đổi số toàn dân, toàn diện (kỳ 3)

Hơn nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã tạo được dấu ấn quan trọng, đó là đứng trong tốp đầu trong cả nước về kết quả CĐS. Thành công đó là nền tảng động lực quan trọng và tạo đà để Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng tốc CĐS, phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu CĐS và có nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Người dân làm căn cước công dân điện tử tại Công an huyện Xuân Trường.

 

“Trái ngọt” chuyển đổi số

 

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, chúng tôi gặp chị Trần Hải Giang, ở phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) đến làm thủ tục đổi giấy phép lái xe. Chị vui vẻ cho biết: "Trước khi tới đây tôi đã tra cứu thông tin quy trình giải quyết TTHC này trên Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ. Đến đây được cán bộ Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn rất chi tiết nên tôi nhanh chóng hoàn thành. Tôi cũng chọn sử dụng dịch vụ bưu chính phát tận nhà cho thuận tiện, không phải đi lại lần nữa. Ngoài ra, tôi đã từng thực hiện nhiều thủ tục trực tuyến tại nhà, nhận kết quả trực tuyến bản điện tử và bản giấy qua dịch vụ bưu chính. Trong đời sống hàng ngày, ngoài việc mua bán, thanh toán trực tuyến thì nhiều giao dịch thanh toán hóa đơn các dịch vụ viễn thông, điện, nước, tiêm chủng của các thành viên trong gia đình đều nhanh chóng thực hiện qua các app, quá tiện lợi. Tôi đánh giá rất cao những tiện ích mà CĐS mang lại, đặc biệt là những giao tiếp, tương tác giữa người dân với chính quyền, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà hai, ba năm trước mới chỉ nghe nói". Những tiện ích mà người dân như chị Giang được hưởng thụ trong giải quyết TTHC là kết quả mà các cấp chính quyền, các sở, ngành, địa phương và người dân đã nỗ lực xây dựng chính quyền số; người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền trên môi trường mạng thông qua Cổng DVCTT, là thước đo đánh giá thành công của CĐS mang lại và cũng là lĩnh vực thành công nhất trong CĐS của tỉnh.

Từ năm 2018, tỉnh đã hợp nhất bộ phận một cửa với Cổng DVC; đến năm 2020, Nam Định là một trong 7 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 40% TTHC trực tuyến toàn trình và là 1 trong 3 tỉnh cùng với Bình Phước, Tây Ninh hoàn thành việc cung cấp 100% DVCTT toàn trình trên Cổng DVC quốc gia. Đến nay, đã niêm yết công khai 1.186 DVCTT toàn trình và một phần. Bình quân một năm tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống khoảng 900 nghìn hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với DVCTT, công cuộc CĐS của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tác động nhanh, mạnh đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại; CĐS toàn diện ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số (CQS, KTS, XHS) mang lại hiệu quả cao và lợi ích thiết thực cho từng người dân, doanh nghiệp. Ba năm liên tiếp, 8/10 chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, CĐS đều đạt và vượt so với yêu cầu của Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ và Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh. Trong đó, chỉ số xếp hạng CĐS (DTI Index) năm 2022 của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; tăng 1 bậc so với các năm 2020, 2021 (cao hơn 10 bậc và sớm hơn 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU đề ra); Chỉ tiêu thành phần về xây dựng chính quyền điện tử, CQS trong bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 được Bộ Nội vụ xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; tăng 1 bậc so với các năm 2021, 2020. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVC quốc gia các năm 2022, 2023 của Nam Định đều đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Ngay trong những tháng đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành danh mục hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung và hệ thống cơ sở dữ liệu mở; từng bước triển khai số hóa dữ liệu tổ chức và cá nhân, hướng đến xây dựng XHS, công khai, minh bạch cơ sở dữ liệu trên môi trường mạng.

Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ CĐS trọng yếu được Ủy ban quốc gia về CĐS giao là tổ chức số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, hoàn thành các chỉ tiêu liên quan đến DVCTT; xây dựng mô hình CĐS tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) và nhân rộng mô hình tại một số trường học trên địa bàn; triển khai nền tảng làm việc số cho phép người sử dụng “đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt”, đồng bộ các chức năng thư điện tử, văn bản điện tử, lịch làm việc, họp trực tuyến, đôn đốc, nhắc việc, chia sẻ tập tin và các chức năng khác hỗ trợ công vụ. 

Tại Diễn đàn quốc gia về KTS, XHS lần thứ nhất tổ chức tại Nam Định, đại diện Cục CĐS quốc gia (Bộ TT và TT) đã đánh giá: Kết quả đạt được trong công cuộc CĐS của tỉnh là do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã nhận diện đúng những thuận lợi, khó khăn của tỉnh để lựa chọn hướng đi đúng, lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, thuận lợi cơ bản của tỉnh là có được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; có đủ cơ sở vững chắc, sự nhận thức đầy đủ, tầm nhìn của các cấp lãnh đạo và quyết tâm cao trong triển khai CĐS. Thêm vào đó tỉnh đã sớm xác định lộ trình thực hiện CĐS thực chất, hiệu quả với sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác kiểm tra đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, trách nhiệm. Vai trò người đứng đầu trong thực hiện CĐS được đề cao với việc chủ động chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch CĐS. Những kinh nghiệm này các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc cần tham khảo, học tập từ Nam Định.

Nhiều giải pháp tăng tốc
hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số

 

Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu trong công cuộc CĐS, song nhiệm vụ CĐS của tỉnh còn rất nhiều. Đó là còn 2 chỉ tiêu chưa đạt về giá trị tăng thêm của KTS và có 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tương ứng với đó đến năm 2030, tỷ trọng giá trị kinh tế số chiếm 30% GRDP; 70% hoạt động kiểm tra trên môi trường mạng; Nam Định cơ bản hoàn thành CĐS gắn với các dịch vụ đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc.
Chặng đường CĐS phía trước còn dài và rất gian nan và nhiều thách thức bởi nhiệm vụ CĐS còn nhiều trong điều kiện tiềm lực của tỉnh còn hạn chế, công nghệ luôn thay đổi và phải tính đến việc các dịch vụ sẽ không còn được ưu đãi miễn phí… Do đó ngay trong năm 2024, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng CQS trên cơ sở phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số của tỉnh. Thúc đẩy kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số; CĐS trong mọi hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thúc đẩy chuyển đổi XHS, tập trung vào nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS cho người dân, hình thành công dân số, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình CĐS.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả thực hiện CĐS. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS; phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội hóa và các nguồn lực hợp pháp khác cho CĐS. Đồng thời, tỉnh xác định đầu tư hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số của tỉnh với 11 nhiệm vụ trọng tâm làm cơ sở để phát triển đồng bộ 3 trụ cột CQS, KTS, XHS. Trên cơ sở đó tỉnh tập trung nâng cấp, mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh; chuyển đổi mạng internet của tỉnh sang giao thức internet thế hệ mới (Ipv6); xây mới, nâng cấp, hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, Trung tâm giám sát an toàn thông tin và nền tảng hệ sinh thái phục vụ CĐS của tỉnh. Cập nhật dữ liệu của tỉnh lên các nền tảng dữ liệu số quốc gia phục vụ phát triển CQS, KTS, XHS, đô thị thông minh. Tập trung tái cấu trúc quy trình TTHC để xây dựng, hoàn thiện, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng, nền tảng số và các dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ dùng chung, trang thiết bị công nghệ thông tin. Đầu tư các thiết bị, phần mềm, hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin; các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước. Ứng dụng các giải pháp công nghệ số vào chỉ đạo, điều hành, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực, cải thiện chất lượng cung cấp DVCTT phục vụ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thuận tiện, minh bạch và tin cậy. Nâng cao hiệu quả CĐS ở các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh là y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics. Khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội, cung cấp dịch vụ số ở các lĩnh vực dân sinh thiết yếu; xây dựng hình ảnh, văn hóa, con người Nam Định trên không gian mạng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thúc đẩy CĐS tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng cường áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã đưa ra bộ giải pháp cơ bản để các cấp, ngành, địa phương căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện, lộ trình khắc phục, cải thiện những chỉ số thành phần còn yếu, chưa đạt; quyết tâm duy trì, nâng hạng CĐS để giữ vững vị trí trong "top" 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và Ban Chỉ đạo về CĐS các cấp, gắn kết chặt chẽ giữa CĐS với công tác cải cách hành chính. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ số. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dịch vụ số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ số trong nước và thế giới vào đầu tư, làm cơ sở hình thành các khu công nghiệp công nghệ thông tin chất lượng cao, thúc đẩy kinh tế số phát triển. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về CĐS, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số, phát triển công dân số, xã hội số. Ưu tiên nguồn lực tài chính đầu tư hạ tầng, nền tảng số, ứng dụng số. Đôn đốc đẩy nhanh, nâng cao hiệu quả CĐS trong các ngành, các lĩnh vực ưu tiên CĐS đã đề ra trong Nghị quyết, nhất là xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, CĐS lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường. Xây dựng, hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân để tạo niềm tin cho người dân vào tiến trình CĐS, khi hoạt động trên môi trường số. Tăng cường hợp tác quốc tế, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong CĐS và bảo đảm an toàn thông tin mạng; quảng bá, tạo thị trường cho các sản phẩm dịch vụ số của các doanh nghiệp số trong tỉnh.

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển từng ngày, từng giờ, chi phối tác động mọi mặt đời sống xã hội, CĐS là nhiệm vụ cấp bách, thiết thực đối với mọi cấp, mọi ngành, mỗi tổ chức, cá nhân để đất nước, địa phương, đơn vị có thể hội nhập một cách chủ động, vững chắc. Tăng tốc CĐS bằng việc thực hiện những mục tiêu cụ thể thông qua các giải pháp thiết thực, đồng bộ là cơ sở để các ngành, địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ CĐS của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.