Chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, có tác động sâu rộng lên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Việt Nam hiện đang nỗ lực thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia, với nhiều mục tiêu quan trọng hướng đến đích 10 năm tới, trong đó nghiên cứu, phát triển và làm chủ loạt sản phẩm “Make in Vietnam” (nền tảng ứng dụng Việt)…
Số hóa lan tỏa ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề
Ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) đang khẩn trương tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại để làm “mới” mình, trong đó tập trung vào các nội dung chủ đạo là chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý giáo dục và trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục, thực hiện số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các Công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu...) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định. Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, thực hiện số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học; tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học.
Nhiều mô hình giáo dục thông minh đang được phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nhờ đó việc truy cập kho kiến thức khổng lồ trên môi trường mạng được nhanh chóng, dễ dàng; đồng thời giúp việc tương tác giữa gia đình, nhà trường, giáo viên, học sinh gần như tức thời. Toàn ngành đã triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ Bộ đến hàng chục sở GD và ĐT, hàng trăm phòng GD và ĐT và hàng chục nghìn cơ sở giáo dục. Đã số hóa và định danh dữ liệu của hơn 53 nghìn trường học, hơn một triệu giáo viên và 23 triệu học sinh, sinh viên; góp phần hỗ trợ đắc lực công tác tuyển sinh và thống kê, báo cáo trong toàn ngành. Tất cả giáo viên được huy động tham gia, đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số toàn ngành; đóng góp lên Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm với hơn 30 nghìn câu hỏi… góp phần xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.
Bà Đinh Thị Thúy, Giám đốc Công ty cổ phần Misa, đơn vị phát triển nhiều công nghệ số ứng dụng trong lĩnh vực GD và ĐT cho biết: Nền tảng của Misa đã hợp nhất mọi nghiệp vụ quản lý giáo dục trên một hệ thống quản lý trường học, hiện đang được ứng dụng tại hơn 18 nghìn trường học, 248 phòng GD và ĐT, 48 sở GD và ĐT. Việc tích hợp tất cả nghiệp vụ trên một nền tảng ứng dụng của Misa giúp các đơn vị quản lý cấp bộ, ngành và nhà trường dễ dàng tổng hợp và theo dõi tất cả các báo cáo chi tiết theo thời gian thực, hỗ trợ công tác quản lý hiệu quả, minh bạch. Hướng đến xây dựng nền tảng mở, quản lý trường học sẵn sàng kết nối đối tác thứ ba vào nền tảng như: Cổng thanh toán trực tuyến, hóa đơn điện tử, chữ ký số, phần mềm kế toán, kết nối thông tin nhà trường - phụ huynh, công cụ dạy và học trực tuyến, kho học liệu số…
Trong các lĩnh vực ưu tiên CĐS thuộc chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6-2020, y tế được xếp ở vị trí hàng đầu. Đến nay 100% văn bản của ngành y tế đã được xử lý điện tử; 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã được thực hiện trực tuyến mức độ 4, từng bước kết nối với Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. Bộ Y tế đang đẩy mạnh hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, từ việc hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh đến tư vấn phẫu thuật, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, kết nối người bệnh và bệnh viện. Đáng chú ý, ngành y tế đã thực hiện công khai 62.438 giá dược phẩm (giá bán lẻ ở nhà thuốc); 17.066 trang thiết bị, vật tư y tế, 93.253 kết quả đấu thầu... 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện; nhiều bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy; nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim… Bộ Y tế được xếp hạng thứ 4 về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ...
Phú Thọ là tỉnh triển khai sớm Trung tâm điều hành y tế thông minh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Đến nay, 100% các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đã triển khai công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng. Ngành y tế Phú Thọ đang ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS cho phép theo dõi, giám sát đơn vị theo thời gian thực hiện. Thông tin về hoạt động tại các bộ phận được tổng hợp và báo cáo chi tiết, thường xuyên được cập nhật. Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS cũng được ứng dụng tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Hệ thống PACS liên thông và đẩy lên hệ thống cơ sở dữ liệu chung của ngành, từ đó, giúp cho nhà quản lý và người dân dễ dàng tiếp cận, lựa chọn dịch vụ và giám sát phản ánh…
CĐS không chỉ mang lại hiệu quả trong ngành giáo dục và y tế mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực kinh doanh, việc CĐS trở thành xu hướng tất yếu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh nhất là trong giai đoạn toàn cầu đang bị tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid -19 còn diễn biến phức tạp; đẩy mạnh phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đủ năng lực chiếm lĩnh thị trường trong nước và tiến ra toàn cầu. Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, CĐS góp phần xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực này, như: cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; các cơ sở dữ liệu về nền địa lý quốc gia; quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biển và hải đảo; biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản, cảnh báo sớm thiên tai… Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ TT và TT), đến hết năm 2020, cả nước có 38 nền tảng mang thương hiệu Việt đang được các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng.
Gỡ vướng để bứt phá vươn lên
Tuy đã đạt được những kết quả ban đầu, việc CĐS ở nhiều ngành, lĩnh vực vẫn còn những thách thức cần vượt qua, để bứt phá vươn lên. Vấn đề trước tiên cần được ưu tiên phát triển là chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT). Đó là điều kiện hàng đầu nhằm bảo đảm CĐS, bảo đảm an toàn an ninh mạng. Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực ATTT vẫn đang thiếu hụt. Thực tế cho thấy, các cuộc tiến công mạng thời gian vừa qua có quy mô, tính chất phức tạp, tinh vi, mức độ phá hoại ngày càng cao đã đặt ra yêu cầu phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác ATTT trong thời gian tới. Trong ngành GD và ĐT, tuy đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong CĐS, nhưng vẫn rất cần tiếp tục đầu tư về hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT, đường truyền, dịch vụ in-tơ-nét cho nhà trường, giáo viên, học sinh - đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho CĐS, dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức giữa học sinh, sinh viên ở các vùng miền, các nhà trường. Vấn đề xây dựng học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) còn phát triển tự phát, chưa đi vào nền nếp và thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập. Hiện tượng cục bộ về dữ liệu còn tồn tại ở không ít các địa phương, nhà trường…
Đối với ngành y tế, con đường CĐS toàn diện vẫn còn dài ở phía trước. Hồ sơ sức khỏe điện tử đã được triển khai nhưng Bộ Y tế vẫn chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm y tế để thực hiện tốt. Ngoài ra, để CĐS trong y tế thì hành lang pháp lý và cơ chế tài chính đều phải sửa đổi. Ở bệnh viện, các loại máy móc, trang thiết bị y tế… đều được hạch toán nhưng ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh cho người dân thì chưa thể hạch toán bởi hầu hết các bệnh viện chưa coi trang thiết bị ứng dụng CNTT là trang thiết bị y tế có khấu hao…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các chuyên gia CNTT cho rằng cần triển khai ngay một số giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới để có thể làm chủ hạ tầng số, các nền tảng số, không gian mạng quốc gia, hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp; làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Vietnam”. Và để các nền tảng ứng dụng Việt được phổ biến, cần bảo đảm ATTT theo hệ thống. Thứ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người. Hiện Bộ TT và TT đã đưa nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình “bốn lớp” để các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị chủ quản hệ thống thông tin có định hướng trong lựa chọn, triển khai thuê mua dịch vụ giám sát, bảo vệ an toàn, an ninh mạng chuyên nghiệp và bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho quá trình CĐS quốc gia…
Nếu làm một cách bài bản, căn cơ, Việt Nam sẽ có đủ điều kiện để hình thành một ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, CĐS thành công, góp phần hiện đại hóa đất nước.