Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất

Đăng ngày 20 - 04 - 2022
Lượt xem: 167
100%

(Mic.gov.vn) - Tối 19/4, đông đảo người yêu sách đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM, dự lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất. Đây là sự kiện mở đầu nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa đọc trên cả nước. Tới dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

 

 
 

Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tối 19/4 tại đường Nguyễn Huệ.

Theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg của Thủ tướng, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức ngày 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn khẳng định: Trong đời sống tinh thần của chúng ta, sách có vai trò rất quan trọng, là chìa khóa giúp mỗi người mở cánh cửa đến kho tàng tri thức vô tận của nhân loại; là ngọn đuốc thắp sáng tâm hồn, dạy cho chúng ta biết sống có ích, có lý tưởng. Vì thế, đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Ở Việt Nam, nhận thức tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm sách, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Qua 8 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng đối với người làm công tác xuất bản và những người yêu sách cả nước.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất kết hợp đồng thời với khai mạc Hội Sách tại TP.Hồ Chí Minh và khai mạc Hội sách trực tuyến Quốc gia với mong muốn thực hiện và lan tỏa 03 mục tiêu quan trọng của việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc được xác định trong Quyết định số 1862/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là: Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập; Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nêu rõ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các đại biểu tham quan gian hàng sách.

Mặt khác, việc tổ chức Lễ khai mạc, Hội sách TP.Hồ Chí Minh và Hội sách trực tuyến năm nay còn là dịp khẳng định những bước phát triển xuất bản và văn hóa đọc của thành phố mang tên Bác cũng như cả nước; khẳng định xu hướng chuyển động mạnh mẽ của ngành xuất bản trước yêu cầu chuyển đổi số, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong dịp này, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động khác chào mừng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam như: Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lễ phát động phong trào đọc sách của Hội Xuất bản Việt Nam và các hoạt động khác do nhiều bộ, ngành, địa phương đồng loạt tổ chức… Tất cả nhằm hướng đến phát triển phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo dựng một nét đẹp văn hoá trong cộng đồng, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức trao tặng biểu trưng

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cho Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn.

Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc, nhiều hoạt động diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, với ba không gian chính.

Không gian “Chuyển đổi số” trưng bày, giới thiệu mô hình sách nói, sách điện tử, những giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo. Các tác phẩm sách nói, sách điện tử trên nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, kỹ năng sống… sẽ được trưng bày. Tại không gian này, bạn đọc sẽ được tiếp cận, tương tác sách nói, sách 3D, thực tế ảo…

Không gian “Thành phố sách” trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích, đa dạng thể loại. Đây cũng là nơi diễn ra các buổi giao lưu với tác giả, giới thiệu sách, tọa đàm chuyên đề về sách, các chương trình văn nghệ.

Không gian tổ chức giới thiệu các mô hình Văn hóa đọc là nơi giới thiệu không gian văn hóa đọc đặc trưng của TP.HCM tới người dân, bạn đọc. Đây cũng là nơi triển lãm các mô hình tiêu biểu về ngày hội văn hóa đọc của các cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, tủ sách gia đình, tủ sách cộng đồng, thư viện thông minh…

 

 

Đài Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát triển văn hóa đọc thành "thương hiệu quốc gia"(04/05/2022 7:41 SA)

Hội sách trực tuyến Quốc gia năm 2022(19/04/2022 9:46 SA)

°
162 người đang online