Không phải ngẫu nhiên mà Nam Định được mệnh danh là “đất trăm nghề”. Nơi đây đã và đang tồn tại phát triển hàng trăm làng nghề từ xa xưa từng nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam Hạ. Theo số liệu của Sở Công Thương, toàn tỉnh có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, tập trung tại các vùng đất cổ lưu giữ nhiều di sản văn hóa. Tiêu biểu như các làng nghề: đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng (Ý Yên); mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản); cây cảnh Vị Khê, múa rối nước Bàn Thạch, làm khăn xếp Giáp Nhất (Nam Trực); ươm tơ Cổ Chất, dệt vải Cự Trữ (Trực Ninh); làm muối Văn Lý, làm kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu); nước nắm Sa Châu, muối Bạch Long (Giao Thủy)…
Ở mỗi làng nghề truyền thống đều chứa đựng một câu chuyện riêng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một nét đẹp rất riêng của người dân Nam Định.
Đã từ rất lâu, cái nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất (xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, Nam Định) đã đi vào câu ca. bởi đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam. Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa còn đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Sau này, người Cổ Chất đã du nhập nghề ươm tơ dệt lụa trải qua nhiều thế kỷ đã trở thành làng nghề tơ Cổ Chất ngày nay. Ấn tượng đầu tiên khi mới bước chân đến ngôi làng cổ này là đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Làng dệt Cổ Chất với nghề truyền thống đã góp phần cho đất nước một sản phẩm tơ lụa tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam.
Làng Vị Khê thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực. Ngôi làng này có tuổi nghề hơn 700 năm. Theo các cụ lớn tuổi kể rằng ông tổ nghề trồng hoa Tô Trung Tự đi đến Nguyễn Gia Trang (nay là làng Vị Khê) thì nhận thấy nơi đây đẹp, ruộng đồng màu mỡ, người dân chất phác, ông đã cho xây nhà để thỉnh thoảng ghé thăm. Không những thế, ông khuyến khích người dân ở đây mở rộng nghề nông, dạy họ trồng hoa, cây cảnh để làm sinh kế. Đến khi nhà Trần cho xây dựng cung Tức Mặc ở Nam Định thì làng hoa Vị Khê có điều kiện phát triển để cung cấp hoa cho cung đình. Từ đó về sau nghề hoa ở đây liên tục phát triển.
Làng Phạm Pháo thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định từ lâu đã nức tiếng trên dải dất hình chữ S với nghề làm kèn đồng hay còn gọi là “nghề làm kèn Tây”. Gắn bó với kèn đồng do nước ngoài sản xuất lâu dần khiến người dân Phạm Pháo (Nam Định) tự mày mò học sửa, làm kèn đồng.
Nhắc đến Ý Yên (Nam Định), nhiều người nghĩ ngay đến làng nghề đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm, với bề dày lịch sử hơn 900 năm đã tạo ra nhiều thế hệ nghệ nhân và thợ đúc tài hoa cùng những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao như: Lư hương, đỉnh trầm, tượng phật…
Thôn Giáp Nhất nằm cách thành phố Nam Định hơn 20km về phía Tây Nam. Ít ai biết được rằng, đây là xuất xứ của những chiếc khăn xếp thường thấy trong các lễ hội, đám cưới, mừng thọ ở nhiều tỉnh miền Bắc. Không ai còn nhớ làng Giáp Nhất có nghề làm khăn từ bao giờ và cũng không ai nhớ ông tổ của nghề là ai. Người dân chỉ biết ông cha cứ đời này qua đời khác truyền lại cho con cháu sau này. Cho đến ngày nay Giáp Nhất vẫn là nơi “giữ hồn Việt” vào những chiếc khăn xếp.
Làng Gòi tức làng Sa Châu thuộc xã Giao Châu, huyện Giao Thủy. Mắm làng Gòi đã nổi tiếng từ thời vua Minh Mạng. Quanh làng lúc nào cũng dậy mùi nước mắm. Nhà nào cũng hàng hàng lối lối chum vại phơi quanh nhà. Với hơn một trăm hộ làm nghề, sản lượng nước mắm của làng hàng năm lên đến cả 500.000 lít. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của nước mắm Sa Châu là trong địa bàn tỉnh và một số tỉnh kế bên như Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình.
Dựa vào yếu tố tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, các làng nghề đã kết nối, hình thành được các tuyến, điểm du lịch hấp dẫn du khách. Đó là các tour du lịch sinh thái cộng đồng với những hoạt động thú vị: Trải nghiệm làm diêm dân trên cánh đồng muối Văn Lý, kết hợp chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhà thờ đổ Hải Lý, thưởng thức đặc sản vùng quê biển (Hải Hậu); tham quan làng nghề làm nước mắm Sa Châu, trải nghiệm Homestay (nghỉ tại nhà dân), tìm hiểu văn hóa bản địa với các tuyến du lịch điền dã mà điểm đến là Bảo tàng Đồng quê, Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy)…
Cùng với tham quan, trải nghiệm di sản, du khách còn được tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của làng nghề truyền thống. Mỗi làng đều có truyền thuyết, lưu giữ được các thư tịch cổ kể về những vị tổ nghề. Như ở làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) hơn 700 năm trước 6 vị tổ sư ở Núi Tiên, thuộc Quần thể văn hóa Tiên Sơn (nay là phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đến truyền nghề rèn cho 15 cụ tổ các dòng họ: Đoàn, Trần, Vũ, Đỗ, Ngô… ở quê hương. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn Vân Chàng đã rèn gươm, giáo, mã tấu, dao găm phục vụ quân đội. Đất nước độc lập bước vào kiến thiết phát triển kinh tế, làng rèn ở thị trấn Nam Giang tập trung sản xuất tổng hợp các mặt hàng như: phụ tùng xe đạp, vật dụng nhà bếp, dụng cụ nông nghiệp... Làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) có nghề múa rối nước tuổi đời hàng trăm năm. Các thế hệ nghệ nhân quê hương đã làm ra nhiều con rối với hàng chục tích trò cổ đặc sắc. Ở huyện Ý Yên, nghề mộc La Xuyên, xã Yên Ninh hình thành cách đây gần 10 thế kỷ, do tướng quân Ninh Hữu Hưng về lập ấp, truyền nghề tại địa phương. Ông là vị tổ nghề đầu tiên và là người thợ tài hoa, nổi tiếng đã được hai triều đại Đinh, Lê trọng dụng. Nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến có tuổi đời hơn 600 năm, do hai ông tổ Ngô Đức Dũng, Ngô Ân Ba - quan tri huyện và đô đầu huyện triều Đinh - Tiền Lê sau khi từ quan đã về làng truyền dạy cho dân làng.
Văn hóa truyền thống làng nghề ở Nam Định gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư, thể hiện qua các dịp lễ hội làng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ các vị tổ nghề. Vì vậy, việc hình thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với làng nghề trong không gian lễ hội và di tích lịch sử - văn hóa là điểm nhấn hấp dẫn trong bản đồ du lịch vùng đất trấn Sơn Nam Hạ xưa. Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân mới, du khách về Nam Định dự lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) có thể kết hợp tham quan làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), tham dự lễ hội làng truyền thống tổ chức từ 12 đến 16 tháng Giêng tại Đình thờ Thành hoàng làng và ông tổ nghề Tô Trung Tự. Vào tháng 3 âm lịch, thời điểm Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) mở hội, du khách không chỉ tham gia lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn kết hợp thăm làng nghề mây tre đan xã Vĩnh Hào, hòa mình vào không gian lễ hội làng tổ chức cùng thời điểm; trong đó đặc sắc nhất là cuộc thi tay nghề chẻ tre, đan cót và các sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đặc trưng văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chúng ta thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa nhân văn cao cả, nét đẹp của mỗi làng nghề truyền thống được hình thành nên bởi lớp người đi trước và được gìn giữ, phát huy giá trị bởi thế hệ con cháu mai sau. Họ không chỉ là những nghệ nhân mà thực sự đang là những người “giữ lửa” cho mỗi làng nghề. Mỗi làng nghề truyền thống ở Nam Định đều mang một vẻ đẹp, độc đáo riêng. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện về tinh thần đoàn kết, lao động, sáng tạo mà bao đời này ông cha ta đã trao truyền qua nhiều thế hệ.
CQĐD Nam Đồng bằng sông Hồng
(vietnamhoinhap.vn)