Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Là một trong những tỉnh có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (cao gấp 10 lần chỉ số trung bình của Việt Nam), với khát vọng phát triển và quan điểm xuyên suốt “ngoài mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, không có mục đích gì khác”, những năm qua, tỉnh Nam Định đã có nhiều dấu ấn đáng tự hào, đặc biệt là phát triển kinh tế biển, góp phần thay đổi về vị thế địa kinh tế, tạo những “điểm tựa”, “đòn bẩy” để Nam Định “cất cánh”.
Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy Hải Hậu) với 64 xã, thị trấn; trong đó có 18 xã, thị trấn giáp biển (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030); tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724km² (bằng 43% diện tích toàn tỉnh), dân số hơn 606 nghìn người (khoảng 34% dân số toàn tỉnh), có bờ biển dài 72km. Đặc thù vùng ven biển của tỉnh là người dân cần cù, chịu khó, phần đông là đồng bào theo đạo Công giáo; có truyền thống, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Riêng vùng ven biển thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng diện tích thường xuyên được mở rộng nhờ sự bồi lắng từ biển.
Với mục tiêu phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc về quốc phòng, an ninh vùng ven biển, trong nhiều nhiệm kỳ qua Đảng bộ tỉnh Nam Định luôn quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị và nhân dân khu vực ven biển của tỉnh thực hiện các mục tiêu trên, làm thế nào để tận dụng, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vùng ven biển luôn là bài toán, là trăn trở của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh. Mỗi thời kỳ, giai đoạn đều đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những thành quả phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của vùng ven biển của tỉnh.
Kiên trì với mục tiêu trên, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 18/6/2021 về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản… Phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”.
|
Sơ đồ 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Quy hoạch đi trước một bước
Quán triệt tinh thần, các nội dung chỉ đạo của Nghị quyết, những năm qua, các cấp, các ngành, nhân dân khu vực ven biển của tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, hành động cụ thể để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra. Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, tỉnh đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định vùng kinh tế biển (các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường) là một trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng đã tập trung Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên và vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thuỷ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 để khai thác tiềm năng cũng như thế mạnh liên vùng các huyện. Quy hoạch cũng xác định tập trung phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ (rộng gần 14 nghìn ha, thuộc địa bàn 2 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng) trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy mang tính đột phá của tỉnh, là một trung tâm kinh tế biển phát triển, có cảng biển tổng hợp và cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi Bộ Giao thông Vận tải có quyết định bổ sung quy hoạch 1 bến cảng hàng lỏng tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1. Tỉnh cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bổ sung bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Những con đường hướng về vùng biển
Trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã huy động nguồn lực tập trung đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối với vùng kinh tế ven biển của tỉnh. Trong đó, đã hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh (dài 65,58km tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng). Ngoài kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của 3 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, tuyến đường còn kết nối với tuyến Quốc lộ: 37B, 21, 21B; kết nối với tuyến đường trục phát triển của tỉnh và tỉnh lộ 490C, đặc biệt sẽ kết nối thuận lợi giữa Nam Định với mạng lưới đường bộ các tỉnh ven biển trong khu vực như Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương ven biển của tỉnh.
Cùng với đó, hai dự án giao thông trọng điểm khác là dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (dài 46km, đi qua địa bàn hai huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.326,5 tỷ đồng); tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, dài gần 25km, đi qua địa bàn 5 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy) đang được tỉnh tập trung chỉ đạo thi công. Sau khi 2 tuyến đường này được đưa vào khai thác, nội tỉnh sẽ có thêm 2 tuyến đường huyết mạch, kết nối phía Bắc, trung tâm tỉnh với vùng kinh tế biển của tỉnh bên cạnh Quốc lộ 21, Quốc lộ 37B (dài 139km, kết nối các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam) và tỉnh lộ 490C.
Tỉnh cũng đã triển khai dự án cầu vượt sông Đáy (Nghĩa Hưng), nối Nam Định với Ninh Bình, vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng, sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là dự án thành phần thuộc dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo, triển khai, có ý nghĩa chiến lược, mang tính liên kết vùng, kết nối với các trung tâm phát triển của vùng và của cả nước.
Mới đây nhất, tỉnh Nam Định đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối các tỉnh Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Trước đó, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, dự án cải tạo luồng tàu qua cửa Lạch Giang (cửa Ninh Cơ), Cụm công trình kênh đào nối sông Đáy với sông Ninh Cơ (thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ - WB6), vốn đầu tư lớn đã hoàn thành và đưa vào khai thác, đang phát huy hiệu quả, giúp cho tàu trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải từ cửa Lạch Giang có thể qua Kênh nối Đáy - Ninh Cơ để đi sâu vào đất liền.
Với các dự án giao thông trọng điểm, có tính chiến lược đã và đang được triển khai, dự kiến triển khai, vùng ven biển tỉnh Nam Định không chỉ được mở rộng về không gian phát triển mà còn đang ngày càng được kết nối thuận tiện hơn với trung tâm tỉnh và các trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc và cả nước.
Nơi “đại bàng làm tổ”
Cùng với công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, những năm qua, tỉnh không ngừng nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh nói chung, khu vực ven biển nói riêng, như về quỹ đất, nguồn nhân lực, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, đẩy mạnh cải cách hành chính… đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Với phương châm “Nam Định luôn lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”.
|
Tổ hợp dự án do Tập đoàn Xuân Thiện với vốn đầu tư gần 100.000 tỷ đồng, trên diện tích hơn 400 ha, lớn nhất về quy mô và vốn đầu tư trong số các dự án đầu tư vào tỉnh từ trước đến nay (Phối cảnh tổ hợp Thép xanh Xuân Thiện Nam Định). |
Để chuẩn bị quỹ đất công nghiệp đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các nhà đầu tư, từ nhiều năm qua, tỉnh đã lần lượt xây dựng tại khu vực ven biển của tỉnh nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, trong đó có Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (rộng hơn 500ha, thuộc khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng); thành lập mới các cụm công nghiệp: Thịnh Lâm, Giao Thiện (Giao Thủy), Hải Vân (Hải Hậu); đang cùng Tập đoàn VISIP xúc tiến quy trình thành lập Khu công nghiệp Hải Long rộng hơn 1.000ha tại huyện Giao Thủy… Vì vậy, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh khu vực ven biển những năm qua đang trở thành “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh. Tại huyện Nghĩa Hưng, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chấp thuận, đang cùng nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện triển khai các bước trong quy trình đầu tư Tổ hợp dự án thép gồm 3 dự án tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, tổng vốn đầu tư gần 100 nghìn tỷ đồng, trên diện tích hơn 400ha, lớn nhất về quy mô và vốn đầu tư trong số các dự án đầu tư vào tỉnh từ trước đến nay. Đối với Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, sau khi hoàn thiện về hạ tầng, tỉnh đã thu hút được một số dự án đầu tư FDI lớn. Trong đó, có dự án Nhà máy Sản xuất sợi, vải xuất khẩu, vốn đầu tư 203 triệu USD của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đã được khánh thành, chính thức đi vào hoạt động, đây là dự án quan trọng góp phần vào công cuộc tái cấu trúc chuỗi giá trị dệt may toàn cầu với công suất 96 triệu m2 vải/năm, gấp 4 lần công suất của Nam Định hiện nay, hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Nam Định trở thành trung tâm dệt may lớn của miền Bắc. Cũng tại đây, Công ty TNHH SANBANG (Singapore) đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm dệt, sợi, tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất từ quý IV/2025, công suất dự kiến mỗi năm đạt 15 nghìn tấn khăn, 14 triệu mét vải dệt, 15 nghìn tấn sợi DTY.
Tại địa bàn huyện Giao Thủy, một số công ty, tập đoàn lớn như SunGroup, VinGroup, Flamingo, An Thịnh… đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án liên quan đến phát triển đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Đặc biệt, tỉnh Nam Định đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với VSIP Việt Nam về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, VSIP đã quyết định đầu tư dự án xây dựng Khu công nghiệp Hải Long quy mô 1.100ha, phấn đấu khởi công dự án trước tháng 8/2025, kiến tạo tại Nam Định một VSIP thành viên có quy mô lớn nhất miền Bắc. Tại địa bàn huyện Hải Hậu, dự án phát triển điện khí LNG, tổng công suất 6.000MW đang được tỉnh và đối tác tiềm năng tích cực xúc tiến quy trình đầu tư; tập đoàn Trường An đã và đang triển khai dự án đầu tư Tổng kho xăng dầu, quy mô 79 nghìn m3…
Vùng ven biển: Điểm sáng xây dựng nông thôn mới
Tiếp nối những thành tựu to lớn về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Tính đến 22/10/2024, toàn tỉnh đã có 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, 21,3% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trong thành quả xây dựng NTM của tỉnh, các xã thuộc các huyện khu vực ven biển của tỉnh như: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường là những “điểm sáng” về tiến độ, chất lượng xây dựng NTM. Theo đó, 14 năm qua, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân khu vực ven biển của tỉnh đã chung sức, đồng lòng đóng góp trí tuệ, công sức thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng NTM qua các giai đoạn, từ đạt chuẩn NTM đến NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, đã tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, giao thông ở địa bàn thôn, xóm; tập trung ruộng đất, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết; bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giữ vững quốc phòng, an ninh. Đến nay, hầu hết các xã thuộc khu vực ven biển của tỉnh đều đã được công nhận đạt các tiêu chí xã NTM nâng cao, nhiều xã đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Riêng huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, đang hướng đến mục tiêu sớm trở thành huyện NTM kiểu mẫu trong năm 2024.
Thành quả hiện hữu là ngày nay, các xóm làng, xứ đạo ở khu vực ven biển của tỉnh đều có diện mạo khang trang, sạch đẹp; đa dạng các hoạt động phát triển kinh tế, từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đến sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến, thương mại, dịch vụ đều phát triển sôi động. Thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất tỉnh. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo vệ, phát huy. Đời sống đức tin của đồng bào có đạo ngày càng được thỏa nguyện, tuân thủ các quy định của pháp luật Nhà nước về hoạt động tôn giáo.
Có thể nói, đến nay khu vực ven biển của tỉnh Nam Định đang “thức dậy”, “vươn mình”. Với khát vọng lớn, nỗ lực cao, giải pháp đồng bộ, hành động quyết liệt, bền bỉ của cả hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh, trực tiếp là của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân khu vực ven biển của tỉnh, tin tưởng rằng thời gian tới vùng kinh tế động lực sẽ sớm đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đưa vùng ven biển của tỉnh trở thành vùng biển giàu đẹp, văn minh, đáng sống.
Bài và ảnh: Trần Thị Tâm
(Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nam Định)
(baonamdinh.vn)