Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Đăng ngày 15 - 07 - 2024
Lượt xem: 161
100%

 

Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã chủ trì phiên họp thứ 8. Dự phiên họp tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và các thành viên BCĐ; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Phiên họp tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh,Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Lê Đoài, Hà Lan Anh; thành viên BCĐ CCHC của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; cán bộ, công chức làm công tác CCHC của Sở Nội vụ.

Theo báo cáo của BCĐ, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp đã quyết liệt vào cuộc tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng, trong đó xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh doanh thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được thực hiện đồng bộ, có thêm nhiều kết quả cụ thể.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nam Định.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

6 tháng cuối năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2024. Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo kết luận của Bộ Chính trị; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt...

Tại Phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu ý kiến chỉ rõ bất cập, vướng mắc trong công tác CCHC; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để nâng cao hiệu quả CCHC 6 tháng cuối năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đã xác định CCHC là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược; xây dựng nền hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Quan điểm là CCHC phải luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm; phải được triển khai đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong đợi của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn, ách tắc trong CCHC gồm: các thủ tục hành chính còn rườm rà; có nơi thực hiện chưa nghiêm, gây phiền hà, bức xúc; bộ máy tổ chức còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra; đồng thời cần mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2024 của các bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm đúng tiến độ./.

Tin: Thanh Thúy
Ảnh: Viết Dư

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hội nghị toàn quốc về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến​​​​​​(04/09/2024 10:35 SA)

CÔNG AN TỈNH NAM ĐỊNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC...(16/08/2024 9:55 SA)

Liên thông điện tử hai nhóm thủ tục hành chính khai sinh, khai tử(26/07/2024 11:17 SA)

Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức về Chuyển đổi số và Cải cách...(01/07/2024 8:09 SA)

Nâng cao hiệu quả phục vụ trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công (kỳ 2)(16/04/2024 2:15 CH)

°
171 người đang online