Thời gian qua, tình hình tội phạm về kinh tế và tham nhũng trên địa bàn tỉnh Nam Định tiếp tục diễn biến tiềm ẩn phức tạp. Điều này đòi hỏi các lực lượng chức năng cần có giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt hơn nữa nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Thượng tá Ngô Văn Bắc, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) cho biết, tội phạm về kinh tế và tham nhũng trên địa bàn tỉnh tập trung trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: Giao thông, tài chính (thuế, hóa đơn); tài nguyên môi trường (vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại địa bàn cấp xã); gian lận thương mại, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm (pháo)… Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an Nam Định đã chủ động phối hợp, triệt phá nhiều vụ án, đồng thời tham mưu đề xuất những giải pháp đồng bộ, tích cực nhằm ngăn ngừa tội phạm trên địa bàn.
|
Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) điều tra, xử lý vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiệm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại CDC Nam Định. |
Cụ thể, ở lĩnh vực tài chính, trước các vấn đề nóng, nổi lên có nguy cơ, hoặc tiềm ẩn phát sinh vi phạm, tội phạm như kê khai gian dối, trốn thuế, nợ đọng thuế; tình hình mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng; đơn vị đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến thuế kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản; tập trung rà soát, nghiên cứu các chính sách ưu đãi về thuế, việc quy định mức thuế suất đối với các mặt hàng nhập khẩu có hạn ngạch để phát hiện các nhóm lợi ích, tiêu cực, trục lợi… Trên lĩnh vực xây dựng, đơn vị tích cực phối hợp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong lĩnh vực xây dựng tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội; các doanh nghiệp. Tập trung điều tra vào những khâu tiềm ẩn phát sinh vi phạm, tội phạm như: lập dự án đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, quyết định đầu tư, tư vấn thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn thiết bị, bố trí kế hoạch vốn đầu tư, tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu, mua bán thiết bị, tư vấn giám sát thi công, thanh toán, nghiệm thu công trình; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; cấp phép xây dựng; thanh tra xây dựng; quản lý trật tự xây dựng… Trên lĩnh vực giao thông, đơn vị tập trung nắm tình hình các công trình, dự án quan trọng tại địa phương về nguồn vốn đầu tư, chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà thầu, tư vấn giám sát, thiết kế, thẩm định, thi công; công tác đền bù, thu hồi giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án; việc sử dụng nguồn vật liệu, vật tư phục vụ thi công. Từ đó nhận diện các khả năng xảy ra sai phạm về tham nhũng, kinh tế. Ngoài ra, trong lĩnh vực đăng kiểm, đối tượng là đăng kiểm viên, chủ cơ sở cải tạo thiết kế phương tiện hoán cải nhận tiền của chủ phương tiện móc nối, đưa hối lộ cho đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam để bỏ qua các lỗi vi phạm, làm giả hồ sơ thẩm định thiết kế để được nghiệm thu, đăng kiểm cũng được phát hiện, xử lý kịp thời.
Lĩnh vực ngân hàng là những vi phạm quy định trong hoạt động thẩm định cấp tín dụng, nâng khống tài sản thế chấp, cho vay lãi ngoài lãi suất theo quy định, lập hồ sơ khống, để ngoài sổ sách các hợp đồng vay vốn để rút tiền của ngân hàng; lợi dụng chính sách miễn, giảm lãi, cơ cấu nợ để trục lợi; thông đồng, tiêu cực trong hoạt động mua, bán xử lý nợ xấu... Lĩnh vực tài nguyên môi trường là những liên quan đến quản lý đất đai; quản lý, cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản. Đối tượng sai phạm đất đai thường là cán bộ, đảng viên nên việc áp dụng công tác nghiệp vụ từ điều tra cơ bản gặp nhiều hạn chế. Các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan đến đất đai chủ yếu là tình trạng bán đất, cho thuê đất, giao đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái thẩm quyền tại cấp cơ sở (cấp xã, thôn, xóm). Cán bộ cấp xã, thôn, xóm lợi dụng sự buông lỏng trong lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp trên và sơ hở trong chính sách, pháp luật về đất đai để thực hiện hành vi sai phạm; gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Các đối tượng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản thường hoạt động đơn lẻ, hành vi tự phát, phương tiện hút cát chủ yếu là tự chế nên có tải trọng nhỏ; thời gian khai thác trái phép ngắn khoảng 20 đến 30 phút; sau khi khai thác xong các đối tượng này lập tức cất giấu phương tiện. Một số đối tượng đã lợi dụng khu vực giáp ranh trên sông giữa địa bàn tỉnh Nam Định với tỉnh Thái Bình và Ninh Bình, khu vực liền kề các mỏ cát được cơ quan Nhà nước cấp phép khai thác để thực hiện hành vi khai thác khoáng sản cát trái phép. Các bến bãi tập kết, kinh doanh khoáng sản này chưa có đầy đủ các giấy tờ thủ tục cần thiết là do nhiều bến bãi đã có từ lâu, hình thành tự phát hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ theo quy định như: hồ sơ đất, hồ sơ bến bãi, hồ sơ môi trường, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở đã tiến hành kiểm tra, xử lý, nhắc nhở… Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nổi lên là một số hành vi vi phạm trong quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, khí thải; công tác thu gom, quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; tình trạng xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường; tình trạng ô nhiễm môi trường nước liên quan đến các lưu vực sông và ô nhiễm không khí liên quan khu vực làng nghề, doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp.
Lĩnh vực chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến, rất khó phát hiện. Các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả tập trung vào các mặt hàng có mức tiêu thụ cao, phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày và dễ làm giả như mỳ chính, hạt nêm với thủ đoạn dùng các nguyên liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, đóng gói vào bao bì giả các nhãn hiệu hàng hóa: Mỳ chính MIWON, AJINOMOTO; hạt nêm Knorr. Các đối tượng sản xuất hàng giả thường sử dụng phòng kín trong nhà ở nên khó phát hiện việc sản xuất. Các đối tượng buôn bán hàng giả khi bị phát hiện, bắt giữ thường quanh co, chối tội về ý thức chủ quan là không biết mặt hàng này là giả. Các mặt hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: quần, áo, giày, dép, túi xách, mỹ phẩm; giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như GUCCI, CHANEL, NIKE, ADIDAS… Các mặt hàng này thường được bày bán tại các cửa hàng hoặc kinh doanh online. Hành vi này thường chỉ xử lý hành chính về “Trưng bày, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”… Lĩnh vực hàng cấm, chủ yếu là pháo nổ xảy ra phức tạp thời điểm Tết Nguyên đán. Ngoài ra, hoạt động buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu vẫn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn phức tạp như đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội lập ra các nick Zalo, Facebook ảo để quảng cáo, mua bán hàng cấm; đối tượng xé lẻ hàng hóa ra để vận chuyển nhằm tránh việc bị xử lý hình sự (thuốc lá điếu...); lợi dụng các công ty chuyển phát nhanh, gửi hàng qua bưu điện để vận chuyển hàng hóa. Trước khi gửi hàng, các đối tượng ngụy trang hàng cấm bằng cách bọc gói hàng kín, qua nhiều lớp giấy, bìa gây hiểu nhầm là hàng hóa khác, gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý. Một số mặt hàng như pháo nổ mang tính thời vụ, việc mua bán thường xảy ra vào cuối năm, các đối tượng chia nhỏ hàng hóa đi nhiều cung đường khác nhau, khó khăn trong việc kiểm tra xử lý… Lĩnh vực thương mại điện tử là tình trạng lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng… diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố khó lường và ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh, gây mất trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thất thu cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát Kinh tế cần làm tốt công tác nắm tình hình, diễn biến thị trường, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và vi phạm để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế tập trung tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội; các doanh nghiệp quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách Nhà nước được cấp cho các đề án, chương trình trọng điểm, các dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, dược phẩm, hóa chất sinh phẩm, công trình y tế liên quan đến các hành vi: Vi phạm quy định về đấu thầu, tham ô tài sản, đưa, nhận hối lộ; vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí... Trước thực tế này, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chỉ tiêu của Giám đốc Công an tỉnh và Bộ Công an giao. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên tham mưu Giám đốc Công an tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát Kinh tế toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả các mặt công tác. Qua đó đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời, chủ động phát hiện, điều tra, khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng, kinh tế, môi trường, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực an toàn thực phẩm đã tập trung đấu tranh trên các tuyến vận chuyển thực phẩm từ các tỉnh lân cận về Nam Định; vận chuyển kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng; nhập lậu động vật (lợn, bò, cá tầm...) và sản phẩm động vật, sản phẩm động vật đông lạnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Tập trung đấu tranh trên địa bàn các chợ đầu mối, kho lạnh bảo quản thực phẩm, bến bãi tập kết thực phẩm, các cơ sở giết mổ tập trung, các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm có dấu hiệu vi phạm; từ đó xác định tổ chức, đường dây, đối tượng có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh, tàng trữ các mặt hàng thực phẩm (hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ) không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Về đối tượng, tập trung đấu tranh, xử lý đối tượng có hành vi sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng để chế biến thực phẩm; hành vi buôn bán thực phẩm không có nguồn gốc, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, sản phẩm quá hạn; hành vi lợi dụng các trang thương mại điện tử để buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng...
Trong 5 năm gần đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã xác lập, phá 15 chuyên án về tham nhũng, kinh tế; khởi tố 38 vụ, 47 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 201 vụ về kinh tế, môi trường, phạt tiền trên 3,2 tỷ đồng; truy bắt, vận động đầu thú 15 đối tượng truy nã; tích cực áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tối đa tài sản thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt. Điển hình như vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” tại xã Yên Trị (Ý Yên). Cụ thể, ngày 2/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can trú tại xã Yên Trị về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, gồm: Hoàng Minh Tiến (SN 1952), Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Trị, xã Yên Trị; Vũ Đình Tưởng (SN 1959), Trưởng thôn Vĩnh Trị, xã Yên Trị và Hoàng Văn Bá (SN 1955), Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Yên Trị. Các bị can có hành vi cùng ký xác nhận đơn, tờ trình đồng ý cho 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh, Công ty TNHH Dệt may Phương Lan, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Vĩnh Tiến sử dụng đất công (đất giao thông thủy lợi) để xây dựng công trình trái phép là trái thẩm quyền, vượt quá thẩm quyền theo quy định pháp luật. Cơ quan Công an đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 bị can để điều tra, xử lý. Vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn” tại Công ty Cổ phần Thương mại Vĩnh Bảo và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành khởi tố các bị can liên quan. Trong đó, Trần Quốc Lý, Giám đốc Công ty Vĩnh Bảo đã xuất 49 hóa đơn giá trị gia tăng ghi nội dung với tổng giá trị hàng hóa và thuế là trên 14,4 tỷ đồng (không có hóa đơn, dịch vụ kèm theo) cho Công ty 281 và Công ty Minh Phát HD. Đối tượng Vũ Hồng Đặng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 281 đã mua trái phép 33 hóa đơn giá trị gia tăng đã ghi nội dung với tổng trị giá hàng hóa và thuế là trên 11,7 tỷ đồng của Công ty Vĩnh Bảo. Đối tượng Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát HD đã mua trái phép 16 hóa đơn giá trị gia tăng đã ghi nội dung với tổng trị giá hàng hóa và thuế là trên 2,7 tỷ đồng. Hoàng Thị Nga, kế toán Công ty TNHH một thành viên 281 đã mua trái phép 39 hóa đơn giá trị gia tăng ghi nội dung của Công ty Vĩnh Bảo cho Công ty 281 và Công ty Minh Phát HD…
Phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Kinh tế tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công an tỉnh; chủ động nắm chắc tình hình, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm nhận diện, kịp thời phát hiện các hành vi về tham nhũng, tiêu cực, trục lợi để điều tra, xử lý nghiêm. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, tiếp nhận, xác minh, thụ lý điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường trên địa bàn tỉnh.
Phòng Cảnh sát Kinh tế
(Công an tỉnh Nam Định)
(baonamdinh.vn)