ĐIỂM BÁO
THÔNG TIN VỀ NAM ĐỊNH QUA BÁO CHÍ
(Tin ngày 12 tháng 7 năm 2022)
I. Thời sự - Chính trị
1. Lãnh đạo Bộ Công an, TPHCM và tỉnh Nam Định dâng hoa, dâng hương Đại tướng Mai Chí Thọ
(Sggp.org.vn 12/7, Văn Minh)
Sáng 12-7, Đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương, Thành ủy TPHCM và Tỉnh ủy Nam Định đã đến dâng hoa, dâng hương tại gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; nguyên Bộ trưởng Bộ Công an (15-7-1922 – 15-7-2022).
Đến dâng hoa, dâng hương tại gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ có các đồng chí: Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định.
Đi cùng có các đồng chí: Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM.
Tại nhà riêng Đại tướng Mai Chí Thọ, trong giờ phút trang nghiêm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc thành kính dâng hoa kính lễ, dâng hương tưởng niệm Đại tướng Mai Chí Thọ. Đoàn đại biểu cũng dành một phút tưởng niệm đồng chí Mai Chí Thọ tại nhà riêng đồng chí.
Dịp này, Đảng ủy Công an Trung ương - Bộ Công an đã tặng gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ bức tranh khắc họa hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Mai Chí Thọ với đại biểu nữ tại Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ nhất năm 1991. Đồng thời tặng đến gia đình bộ ảnh sưu tầm hình ảnh Đại tướng Mai Chí Thọ trong thời gian lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân.
Đại tướng Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống, bí danh Năm Xuân. Đồng chí sinh ngày 15-7-1922 tại xã Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã gắn bó máu thịt với vùng đất Nam bộ. Sài Gòn - TPHCM là nơi mà đồng chí gắn bó lâu nhất và có những cống hiến to lớn, với tất cả trí tuệ và tình cảm sâu nặng của mình.
Suốt 71 năm tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, quyết liệt và với 68 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Mai Chí Thọ luôn có mặt ở những nơi ác liệt, khó khăn, phức tạp nhất của chiến trường miền Nam.
Dù ở cương vị và hoàn cảnh nào, đồng chí luôn là một đảng viên gương mẫu, ưu tú của Đảng, một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị kiên định, giàu nghị lực, kiên cường, dũng cảm và luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cao cả của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Đồng chí sống khiêm tốn, giản dị, chân tình, thương yêu đồng chí, đồng bào, gần gũi và có trách nhiệm với mọi người. Đồng chí thật sự là một cán bộ mẫu mực về “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân kính trọng, tin yêu, quý mến.
https://www.sggp.org.vn//lanh-dao-bo-cong-an-tphcm-va-tinh-nam-dinh-dang-hoa-dang-huong-dai-tuong-mai-chi-tho-826653.html
2. Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp phường, xã
(Antv.gov.vn 11/7; Truyền hình An ninh – Bản tin An ninh 24h ngày 11/7)
Thời gian qua, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “phải thực chất, hiệu quả, làm đến đâu chắc đến đó”, Nam Định đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại cấp phường, xã. Từ đó, giúp người dân hiểu và áp dụng, thay đổi thói quen, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước, chuyển sang sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Là phường cửa ngõ của TP Nam Định, Lộc Hòa có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Các giao dịch thủ tục hành chính cũng gia tăng mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, tại trụ sở các cơ quan, cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin đã được đầu tư. Tuy nhiên, để giải “nút thắt” trong việc nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.Chìa khóa quan trọng là cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân.
Trước đây, đa số người dân đều có tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, khó thao tác khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên vẫn muốn đến trực tiếp cơ quan công an để nộp hồ sơ. Để người dân tin, hiểu lực lượng công an cơ sở đã hướng dẫn người dân kê khai đầy đủ thông tin hồ sơ qua giấy, sau đó để người dân tự nhập thông tin lên hệ thống.
Hiện Công an tỉnh Nam Định đã triển khai đăng ký dịch vụ công trực tuyến về cư trú trên phạm vi toàn tỉnh. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình xử lý hồ sơ cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn.Đồng thời thường xuyên rà soát, kiểm tra hạ tầng kỹ thuật, đường truyền kết nối, đảm bảo hệ thống tiếp nhận và xử lý hồ sơ luôn thông suốt. Sau một thời gian triển khai, nhiều người dân như anh Cảnh đã hiểu và chuyển dần sang thói quen sử dụng dịch vụ công để khai báo lưu trú cho cơ sở mình mỗi ngày.
Đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân cần cả quá trình nỗ lực bền bỉ, lâu dài.Việc chuyển biến mạnh mẽ từ cấp xã, phường thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
https://www.antv.gov.vn/tin-tuc/xa-hoi/nang-cao-ty-le-su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen-cap-phuong-xa-465500.html
3. Đề nghị tiếp tục có giải pháp bình ổn giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát
(Congthuong.vn 11/7, Quỳnh Nga; Quochoi.vn 11/7)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, ngày 11/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2022. Nhiều nội dung được đề cập như: vấn đề giá sách giáo khoa, chậm trả căn cước công dân gắn chip, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hay giải pháp bình ổn giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát...
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid-19. Cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi và đánh giá cao hoạt động chất vấn của Quốc hội về 4 nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
Đề cập về thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Báo cáo công tác dân nguyện kỳ trước, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, về phản ánh, kiến nghị của cử tri về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
"Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế sớm có các giải pháp khắc phục; khẩn trương tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc bằng các hình thức phù hợp để bảo đảm ngay sau kỳ nghỉ lễ (30/4-1/5/2022) có thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh…" - ông Dương Thanh Bình cho hay.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng đề cập đến việc xử lý sai phạm liên quan đến việc điều tra, khởi tố vụ việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công trình cải tạo, nâng cấp chợ Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; vụ việc khiếu nại của Công ty TNHH Mai Thanh - chủ đầu tư Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định liên quan đến việc di dời, hoàn trả hệ thống đường ống dẫn nước sạch của Công ty Mai Thanh để thực hiện dự án Cụm công trình kênh Nối Đáy - Ninh Cơ (dự án WB6); phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan đến hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
https://congthuong.vn/de-nghi-tiep-tuc-co-giai-phap-binh-on-gia-xang-dau-kiem-che-lam-phat-182619.html
Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ có giải pháp bình ổn giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu
https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66437
4. Hội nghị trực tuyến tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
(Daibieunhandan.vn 11/7, Hoàng Anh)
Sáng 11.7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Chủ trì hội nghị có: Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ KH và ĐT Phùng Quốc Chí; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm.
Cùng tham dự còn có các đại biểu đại diện cho Bộ KH và ĐT, lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại biểu đến từ Hội nông dân của Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, và đại diện Hội nông dân của 12 tỉnh thành phía Nam tham gia trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Phùng Quốc Chí cho biết, khu vực kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn và thách thức. Hợp tác xã chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hội nhập kinh tế diễn ra sâu rộng. Xu hướng hợp tác xã có nhiều loại thành viên tham gia để đáp ứng nhiều mục đích khác nhau của thành viên và xã hội đòi hỏi các tổ chức kinh tế hợp tác phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng. Luật Hợp tác xã 2012 đã ban hành được 10 năm, bộc lộ một số bất cập, lạc hậu, do đó yêu cầu sửa Luật Hợp tác xã là rất cấp thiết.
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cụ thể hóa 5 nhóm chính sách: Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác; Nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Dự thảo sẽ nhấn mạnh một số điểm mới, được kỳ vọng mang tới cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác sự bứt phá trong giai đoạn tới.
Theo ông Phùng Quốc Chí, tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã thông qua đề xuất xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến lần một đối với Dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Tư vào tháng 10 tới đây và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV - tháng 5.2023.
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ngay từ đầu năm 2022, Bộ KH và ĐT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam triển khai các hoạt động chuẩn bị xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). “Cuộc hội nghị trực tuyến với hội nông dân 17 tỉnh thành là một trong các hoạt động quan trọng, giúp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có cơ hội trực tiếp lắng nghe ý kiến của đại diện các tổ chức kinh tế hợp tác, của các cơ quan quản lý, các cơ quan có liên quan ở địa phương đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi”, ông Phùng Quốc Chí nói.
Sau khi nghe đại diện Ban soạn thảo trình bày tóm tắt dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), hội nghị đã ghi nhận 12 ý kiến tham gia đóng góp. Trong đó, có một số nội dung được nhiều đại biểu quan tâm như: Tên gọi của Luật, quy định đăng ký tổ hợp tác hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc có góp vốn, Bổ sung đối tượng Liên đoàn HTX, về quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài, số lượng thành viên tối thiểu HTX, Tài sản không chia, về xử lý tài sản, vốn khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể, điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia các chức danh lãnh đạo HTX, quy định về các chính sách hỗ trợ phát triển Kinh tế tập thể, HTX….
Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Phùng Quốc Chí cho biết: “Hội nghị đã lắng nghe các ý kiến tâm huyết, xác đáng đến từ các đại biểu đại diện cho 17 hội nông dân từ các tỉnh thành. Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, lựa chọn những ý kiến xác đáng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trong thời gian sớm nhất”.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đánh giá cao các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, đồng thời cho rằng hội nghị là một chương trình hết sức có ý nghĩa khi Ban soạn thảo được nghe trực tiếp khó khăn vướng mắc tồn tại trong thực tế từ các Hội nông dân các tỉnh thành cũng như những đóng góp xác đáng xuất phát từ thực tiễn. Đại diện ban soạn thảo đã giải trình làm rõ những băn khoăn của các đại biểu đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp từ các đại biểu, từ đó Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mong muốn ban soạn thảo sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn.
https://daibieunhandan.vn/van-ban-phap-luat/hoi-nghi-truc-tuyen-tham-gia-y-kien-vao-du-thao-luat-hop-tac-xa-sua-doi--i295166/
II. Kinh tế
1. Làng nghề truyền thống Nam Định: Nhiều tiềm năng phát triển
(Daibieunhandan.vn 12/7, Quang Tuấn; Đại biểu nhân dân 12/7, tr7)
Không chỉ góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn, nhiều làng nghề truyền thống ở Nam Định đến nay vẫn giữ được thế mạnh với những mặt hàng phong phú, đa dạng; nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định, toàn tỉnh hiện có 142 làng nghề, được chia làm 5 nhóm làng nghề chính và được phân bố ở tất cả các huyện và thành phố. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hải Hậu với 41 làng nghề (chiếm 28,9%); huyện Ý Yên là 25 làng nghề (chiếm 17,6%); huyện Nam Trực có 21 làng nghề (chiếm 14,8%); các địa phương còn lại là 87 làng nghề (chiếm 38,7%), trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (5 nghề truyền thống, 29 làng nghề truyền thống và 46 làng nghề).
Tổng giá trị sản xuất làng nghề năm 2021 ước đạt khoảng 6.800 tỷ đồng (chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh). Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn từ 3 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tùy theo từng nhóm ngành nghề, nhóm nghề có thu nhập cao nhất là sản xuất đồ gỗ, cơ khí, cây cảnh và thu nhập thấp nhất là nhóm nghề chiếu, cói, thêu ren. Trên địa bàn tỉnh có sản phẩm đúc đồng của Hiệp hội cơ khí huyện Ý Yên, đồ gỗ La Xuyên (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên) và đồ gỗ Hải Minh (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu), làng nghề thêu Phú Nhai (xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường) đã đăng ký thương hiệu.
Chủ tịch Hội sinh vật cảnh làng cây cảnh Vị Khê, nghệ nhân Nguyễn Văn Chiến cho biết, hầu như các hộ dân trong làng đều làm nghề trồng hoa, cây cảnh. Ngoài trồng hoa cây cảnh dân làng còn cấy lúa. Hiện nay, hầu như các gia đình theo truyền thống của cha ông cứ cha truyền con nối tiếp tục làm nghề. Tuy nhiên, để có những sản phẩm chất lượng cao, những nghệ nhân cũng phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức.
Nghệ nhân Vũ Mạnh Hùng, xóm Hoàng Ngân - một trong 5 người trong làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực được Trung ương Hội Sinh vật cảnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam” chia sẻ: “Có được những tác phẩm cây cảnh, cây thế đẹp mang giá trị nghệ thuật, ngoài việc dày công đi sưu tập, tìm kiếm các loại phôi già từ khắp nơi trong tỉnh, còn phải dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để thể hiện ý tưởng của mình trong tác phẩm”.
Để quảng bá thương hiệu, Nghệ nhân Vũ Mạnh Hùng tích cực mang cây đi dự thi các cuộc trưng bày sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh, giành hàng chục giải thưởng.Từ đó, ông được khách hàng ở xa biết tiếng, tìm về mua cây cảnh.
Không thể phủ nhận những giá trị văn hóa, kinh tế mà các làng nghề truyền thống đem lại đối với sự phát triển của chung của tỉnh, tuy nhiên, những năm vừa qua, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng vận chuyển hàng hóa bị đình trệ, chuỗi cung ứng nguyên liệu gặp khó khăn… Bên cạnh đó, một số vấn đề gặp phải chung cho tất cả các làng nghề, đó là các hộ sản xuất trong làng nghề khó tiếp cận các khoản vay ưu đãi, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao. Chủng loại sản phẩm tuy đa dạng nhưng chất lượng chưa cao, sản phẩm đạt trình độ tinh xảo còn ít, chưa có sản phẩm mang tính chủ lực mũi nhọn của địa phương. Mặt khác, với môi trường hội nhập hiện nay, các làng nghề truyền thống phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ trong nước đến quốc tế…
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trên và từng bước phát triển các làng nghề truyền thống.Trước hết, đẩy mạnh và nâng cao vai trò quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch, đưa du lịch thành thế mạnh của từng địa phương. Ban hành và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách phù hợp với đặc điểm của làng nghề được bảo tồn, nhằm nâng cao hiệu quả thực tiễn của các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa làng nghề và phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm làng nghề trên trang thông tin điện tử làng nghề nông thôn Nam Định (tên miền: langnghe.namdinh.gov.vn); tổ chức hội chợ, triển lãm; phối hợp với các địa phương ngoài tỉnh để giới thiệu quảng bá sản phẩm; xây dựng chuỗi kết nối trong sản xuất - tiêu thụ giữa cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.
Nhằm giải quyết các vấn đề về vốn cũng như chất lượng sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư phát triển của Nhà nước thông qua các Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển du lịch, Chương trình mục tiêu Giảm nghèo bền vững; Chương trình khuyến công, khuyến nông; Chương trình OCOP của tỉnh; Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như góp vốn, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, vay vốn từ các tổ chức tín dụng… để đầu tư phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Tăng cường vận động các nguồn tài trợ và đầu tư từ các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức nước ngoài để khai thác thêm các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường...
https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/nhieu-tiem-nang-phat-trien-i295205/
2. Ưu tiên giải pháp đột phá phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng
(Congthuong.vn 11/7, Lan Anh – Quỳnh Nga)
Vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua có quy mô kinh tế tăng trưởng bền vững, tuy nhiên sự phát triển của vùng thời gian qua vẫn mang tính độc lập, đơn lẻ.
Quy mô kinh tế tăng đều
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Đây cũng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 14/9/2005 Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và 11 năm thực hiện Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến năm 2020, quy mô kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 2.373.820 tỷ đồng, chiếm 31,61% tổng GDP của toàn nền kinh tế và đứng thứ hai về quy mô kinh tế trong các vùng kinh tế xã hội của cả nước, chỉ sau vùng Đông Nam Bộ.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 8,22%/năm. Tỷ trọng GDP của vùng so với cả nước liên tục tăng, từ 27,7% năm 2015 lên 29,4% năm 2020, trong khi sự đóng góp của vùng Đông Nam Bộ có xu hướng giảm dần, thực tế này cho thấy vai trò đầu tàu kinh tế ngày càng quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là sự hình thành các cực tăng trưởng mới như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh.
“Hà Nội vẫn là đầu tàu tăng trưởng của cả vùng, với quy mô kinh tế năm 2020 chiếm 43,4% tổng GRDP của toàn vùng, kế tiếp là TP. Hải Phòng với 11,76%, tiếp đến là tỉnh Quảng Ninh và Vĩnh Phúc, tỷ trọng tương ứng là 8,66%: 8,69%, các tỉnh còn lại chiếm tỷ trọng 23,66%”- báo cáo Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi vùng vùng đồng bằng sông Hồng có 90 khu công nghiệp (chiếm 24,4% tổng khu công nghiệp cả nước). Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp tại Vùng đồng bằng sông Hồng hơn 9,749 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 56,99%. Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,83 triệu lao động trực tiếp.
Với kết quả trên vùng đồng bằng sông Hồng được đánh giá quy mô kinh tế trưởng bền vững chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng thời gian qua chủ yếu vẫn mang tính độc lập, đơn lẻ của từng địa phương trong vùng, tính liên kết, hợp tác phát triển chưa cao, đặc biệt là trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển công nghiệp, du lịch. Chưa có sự phân công công nhiệm vụ cụ thể cũng như xác định rõ vị trí, vai trò của từng địa phương trong vùng. Việc này dẫn đến yêu cầu phải xác định rõ vị trí, vai trò của từng địa phương trong phát triển vùng, đặc biệt là vai trò của các đô thị lớn, các đầu tầu kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh trong việc tạo sự lan tỏa, lôi kéo sự phát triển của toàn vùng.
Để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng đưa ra một số gợi ý chính sách mang tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể như xây dựng trung tâm kết nối với thế giới, trung tâm này cần thể hiện vai trò nối kết với kinh tế toàn cầu của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đây sẽ là nơi đặt trụ sở hoặc văn phòng cấp vùng của các công ty vận tải, hãng tàu, các tập đoàn sản xuất công nghiệp. “Khu trung tâm này sẽ được hình thành các nhân tố để trở thành trung tâm tạo dựng năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế của đồng bằng sông Hồng nói riêng, của cả nước nói chung”- đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn tiếp theo cần thu hút thêm các nhà đầu tư dẫn dắt và tiến đến các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành. Một số đề xuất chính sách trong việc tiếp thị và thu hút đầu tư như đặt mục tiêu mang tính cụ thể trong thu hút các nhà đầu tư dẫn dắt các dự án đầu tư quy mô lớn có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa. “Một mục tiêu phù hợp có thể là hàng năm đặt mục tiêu thu hút được một số tập đoàn trong nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu (Fortune 500) đến đầu tư tại các tỉnh/thành phố đồng bằng sông Hồng”- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất.
Ngoài ra Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng nên phát triển Khu thương mại tự do là một dạng đặc khu kinh tế. Đơn cử như Hải Phòng, Quảng Ninh cần xem xét có thể đưa ý tưởng phát triển khu thương mại tự do theo cách mới bằng cách phát triển ít nhất một khu đô thị (khu trung tâm) có quy mô lớn theo hướng trở thành một trung tâm kết nối hiện đại với đồng bằng sông Hồng trong 30 năm tới.
https://congthuong.vn/uu-tien-giai-phap-dot-pha-phat-trien-kinh-te-vung-dong-bang-song-hong-182646.html
3. Trồng dưa bạch kim Hàn Quốc công nghệ cao ở Nam Định, năng suất 1,2-2 tấn/sào, bán giá cao từ 80-120.000 đồng/kg
(Danviet.vn 12/7, Ngọc Ánh)
Với mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định (KH và CN) đã triển khai xây dựng mô hình trồng dưa lê bạch kim Hàn Quốc ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt trong nhà màng.
Kết quả mô hình trồng dưa bạch kim Hàn Quốc ứng dụng công nghệ đã khẳng định chất lượng sản phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân ra diện rộng.
Đồng chí Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN cho biết: Qua tham quan, học tập nhiều mô hình sản xuất tại Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hải Phòng, Viện sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Viện Nghiên cứu Rau Hoa Quả Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH và CN tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... chúng tôi nhận thấy dưa lê bạch kim Hàn Quốc là giống cây thích nghi cao trong môi trường nhà lưới, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể khai thác triệt để các lợi thế nhà màng và nhân lực hiện có tại Trung tâm.
Hiện giống dưa bạch kim này chưa được trồng ở Nam Định, có mẫu mã đẹp, bắt mắt với vỏ trắng sữa điểm xanh, ruột quả màu trắng sữa, độ brix 16-18, chứa nhiều vitamin nhóm B, C, E độ mọng nước 90%, thích hợp dùng để ăn tươi và ép nước.
Thời gian bảo quản dưa bạch kim lâu, dễ tiêu thụ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, dưa lê bạch kim ưa nhiệt độ ấm, nóng, thích hợp trồng, thu hoạch trong khoảng tháng 5-6 dương lịch, lúc này thời tiết nắng nóng sẽ tạo điều kiện để quả dưa chín và ngọt hơn.
Do đó Trung tâm đã chọn đưa cây dưa lê bạch kim vào nhiệm vụ KH và CN “Lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật tổ chức khảo nghiệm, hoàn thiện quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương trước khi nhân rộng”. Từ tháng 4-2022, mô hình trồng dưa lê bạch kim trong nhà màng được triển khai trên diện tích 360m2 với 1.000 gốc dưa, ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt.
Với sự đầu tư bài bản của Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN về nhà màng cùng lưới chuyên dụng, lưới chống côn trùng đã tạo thành một môi trường vi khí hậu khép kín tối ưu, giúp cây dưa tránh được tác động của môi trường ngoại cảnh. Đặc biệt, toàn bộ diện tích trồng được ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt với hệ thống dây tưới, ống tưới bù áp, đưa lượng nước chảy đều tới mỗi mắt tưới xuống từng gốc cây.
Ưu điểm vượt trội nhất của phương pháp tưới dưa lê nhỏ giọt là có thể điều chỉnh lượng nước cây dưa cần trong từng giai đoạn, đảm bảo nước cung cấp vừa đủ, không thừa, không thiếu, tạo điều kiện cây dưa sinh trưởng và phát triển tươi tốt, đồng đều, ra quả nhiều, hiệu quả kinh tế tăng cao. Bên cạnh đó, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh tự động, người trồng chỉ cần thực hiện những thao tác rất đơn giản như cắm máy bơm, mở van xả nước, thiết lập lượng nước chảy ra mỗi giờ trên từng mắt tưới nhỏ giọt là có thể làm việc khác, trong khi đó ruộng dưa lê vẫn được tưới đầy đủ.
Kỹ thuật tưới nhỏ giọt còn có ưu điểm là hạn chế tối đa sự bốc hơi, gây lãng phí nước, giúp tiết kiệm 30-40% lượng nước, đồng thời hạn chế cỏ dại mọc, tiết kiệm 15-20% lượng thuốc bảo vệ thực vật và đỡ phần nào khâu nhổ cỏ.
Chị Đỗ Thị Đoan Trang, Trưởng Phòng Nghiên cứu - Ứng dụng (Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN), chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: Khác với phương pháp canh tác tự nhiên, việc trồng dưa ứng dụng công nghệ phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt ngay từ giai đoạn chuẩn bị cây con và giá thể. Theo đó, hạt dưa được ngâm vài tiếng, ủ trong khăn ẩm 2-3 ngày.
Khi hạt nảy mầm được đưa vào ươm trong giá thể là hỗn hợp sền sệt như bùn gồm đất tơi xốp trộn với nước và ít phân mùn. Sau 4-6 ngày cây dưa nhú lên, khi cây đạt tầm 2 lá sẽ đánh bầu cây và trồng trong giá thể là bọc nilon đựng hỗn hợp đất trộn với phân hữu cơ theo phương pháp leo giàn, được cố định bằng dây treo.
Dung dịch dinh dưỡng là các loại phân bón Kristalon Brown, Yara Liva Calcinit, Krista MAG, Krista K cùng với nước tưới được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt có nồng độ phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây qua mắt tưới xuống gốc. Để quả đạt năng suất, chất lượng cao, khi chăm sóc, cây sẽ được tỉa nhánh phụ, giữ một nhánh chính tạo sự thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng, tập trung nuôi một quả chính.
Trồng dưa lê bạch kim cần lưu ý các bệnh héo cây con, chạy dây, sương mai, đốm phấn khiến cây bị chết hoặc giảm năng suất và chất lượng quả. Do vậy cần được sử dụng thuốc Nano đồng Oxyclorua kết hợp Nano bạc đồng super, nano AKH super plus… pha với nước phun qua thân lá phòng trừ kịp thời. Sau 2 tháng trồng, cây dưa lê bạch kim Hàn Quốc đang bắt đầu cho thu hoạch quả.
Trọng lượng mỗi quả dưa bạch kim Hàn Quốc đạt 1,2-2kg, năng suất đạt 1,2-2 tấn/sào. Hiện dưa lê bạch kim Hàn Quốc có giá bán dao động từ 80-120 nghìn đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với các loại dưa khác trên thị trường.
Dự kiến, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN sẽ tiếp tục thực hiện mô hình trồng dưa lê bạch kim Hàn Quốc ứng dụng công nghệ cao và từng bước nhân rộng trong các vụ tới. Đồng thời, phổ biến kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trồng.
Đây được xem là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, tạo ra nông sản “sạch”, thân thiện với môi trường. Phát triển mô hình sản xuất này và các mô hình tương tự là góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.
https://danviet.vn/trong-dua-bach-kim-cong-nghe-cao-o-nam-dinh-trai-dep-nhu-phim-ban-dat-nhat-van-hut-hang-20220710232333076.htm
III. Văn hóa - Xã hội
1. Hy hữu câu chuyện xã này "bán" đất của xã kia tại huyện Ý Yên (Nam Định): Người dân chịu khổ đến bao giờ?
(Giadinh.suckhoedoisong.vn 11/7, Bình Minh)
Nghe tin chủ trương cấp nước sạch được triển khai, ông Lê Văn Nam (thôn Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, Nam Định) mừng lắm. Vậy nhưng, niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu khi gia đình không thể làm thủ tục để được cấp nước sạch. Nguyên nhân là do khu đất gia đình “mua” của UBND xã Yên Thành lại thuộc địa giới hành chính của xã Yên Trung.
Theo trình bày của ông Lê Văn Nam, những năm 1990, do không có công ăn việc làm, ông đã phải bôn ba đi "ăn xin" khắp các tỉnh thành trong cả nước. Khi nghe tin UBND xã Yên Thành (huyện Ý Yên, Nam Định) có chủ trương "bán" đất giãn dân, là hộ nghèo, không có mảnh đất cắm dùi nhưng ông Nam vẫn cố vay mượn họ hàng để đăng ký mua một lô đất với diện tích 240m2 nằm ven đê. Thời điểm ấy, số tiền phải nộp cho Nhà nước là 3 triệu đồng.Vì chẳng đủ tiền nên ông Nam xin "nộp góp" với UBND xã Yên Thành. Để có tiền, ông Nam lại đi "khất thực" khắp nơi, gom góp, tiết kiệm từng đồng và đến năm 2001 thì ông mới hoàn thành việc nộp tiền "mua" đất cho chính quyền địa phương.
Ông Nam kể: "Mua được tấc đất cắm dùi, tôi vui mừng lắm, nhưng rồi cuộc sống khó khăn, tôi lại "đi". Mảnh đất vì thế cũng chưa kịp làm các thủ tục cần thiết theo quy định. Đến năm 2009, chán cảnh sống lang thang, tôi trở về địa phương và quyết định làm sổ đỏ cho mảnh đất của mình. Tuy nhiên, thật trớ trêu khi tôi được thông báo không thể làm sổ đỏ do mảnh đất mà tôi mua của UBND xã Yên Thành lại nằm trên địa giới hành chính của xã Yên Trung. Sau đó, tôi đã làm đơn kiến nghị gửi UBND huyện Ý Yên và các xã Yên Thành, Yên Trung nhưng nhiều năm qua vụ việc vẫn không được giải quyết triệt để".
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Lê Xuân Niên- Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết, UBND xã đã nhận được đơn đề nghị của gia đình ông Lê Văn Nam. Căn cứ nguyện vọng của gia đình, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tìm các chứng lý và các giấy tờ liên quan.
"Việc này cần có sự tham mưu, xử lý của Phòng Tài nguyên môi trường và UBND huyện, làm sao để trả lại đất cho xã Yên Trung, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người dân đã trả tiền mua đất. Trên thực tế, xã cũng trăn trở cho hộ gia đình nên từ trước tới nay đã không thu bất kỳ một khoản tiền nào của gia đình ông Nam. UBND huyện cũng đã về làm việc nhưng không giải quyết được do xã Yên Trung không quy hoạch đất ở tại vị trí thửa đất mà gia đình ông Nam đang sử dụng một phần", ông Niên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phan Viết Thắng- Chủ tịch UBND xã Yên Thành thông tin, tháng 6/2022, UBND huyện Ý Yên đã có ý kiến chỉ đạo hai xã Yên Thành - Yên Trung có buổi làm việc với gia đình ông Nam để có biện pháp giải quyết. Ngày 14/6/2022, tại trụ sở UBND xã Yên Thành, lãnh đạo hai xã đã có buổi làm việc với gia đình ông Nam."Trong buổi làm việc, tôi đã có ý kiến yêu cầu gia đình tiếp tục cung cấp hồ sơ để xác định rõ nguồn gốc và vị trí thửa đất.Trước đó, UBND xã đã giao cho địa chính rà soát hồ sơ để xác định vị trí thửa đất gia đình ông Nam trên bản đồ xã Yên Thành, nhưng không tìm ra", ông Thắng nói.
Được biết, tại Báo cáo số 06/BC ngày 20/6/2022 của UBND xã Yên Thành gửi UBND huyện Ý Yên thể hiện: Từ năm 1992 đến 2005 các hộ dân có nhu cầu về đất ở đã nộp tiền mua đất, tiền sử dụng đất để mua đất ở tại xã Yên Thành thông qua hình thức nộp tiền trực tiếp tại UBND xã hoặc thông qua cán bộ địa chính lúc bấy giờ và một số hình thức khác trong đó có hộ ông Lê Văn Nam - thôn Đô Hoàng. Ông Nam cho biết đã nộp số tiền 3 triệu đồng cho Phó chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính (được thể hiện trong hai biên lai). Thửa đất đó gia đình ông Nam sử dụng từ đó đến nay.
Qua rà soát hồ sơ, ngày 14/6/2022, UBND xã Yên Thành và xã Yên Trung mời gia đình ông Nam lên làm việc, yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ chứng minh nguồn gốc, vị trí thửa đất đang sử dụng. Tuy nhiên, gia đình ông Nam không cung cấp thêm được giấy tờ nào khác ngoài một biên lai thu tiền và một phiếu thu đã nộp.
Liên quan đến sự việc hy hữu này, trước đó UBND huyện Ý Yên có thông báo số 37/TB-UBND do ông Nguyễn Văn Quân- Phó Chủ tịch UBND huyện ký khẳng định: "Việc UBND xã Yên Thành giao đất, thu tiền sử dụng đất của hộ ông Lê Văn Nam khi chưa có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền cho phép là giao đất trái thẩm quyền; UBND xã Yên Thành giao đất cho hộ ông Lê Văn Nam là đất thuộc địa phận hành chính xã Yên Trung;
UBND xã Yên Trung với trách nhiệm quản lý nhà nước về đất trên địa bàn song từ năm 1999 đến nay chưa báo cáo với cấp có thẩm quyền và chưa đề xuất biện pháp xử lý việc giao đất của UBND xã Yên Thành sang địa phận hành chính xã Yên Trung quản lý...".
Thông báo này cũng yêu cầu UBND xã Yên Trung có trách nhiệm quản lý diện tích đất hộ ông Lê Văn Nam đang sử dụng đúng quy định. Giao UBND xã Yên Trung chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường xem xét đề xuất phương án xử lý đối với việc sử dụng đất của ông Lê Văn Nam.
Những ngày gần đây, khi chủ trương cấp nước sạch cho người dân được triển khai trên địa bàn, gia đình ông Nam vui mừng khôn xiết. Vậy nhưng, niềm vui ấy nhanh chóng bị dập tắt khi ông Nam không đủ thủ tục được cấp nước sạch do nhà đang ở chưa có sổ đỏ. "Khu đất tôi đang ở là "mua" của xã Yên Thành, gia đình cũng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước.Tôi tha thiết đề nghị các cấp chính quyền xem xét, giải quyết cấp sổ đỏ cho khu đất này.Hiện nhà cửa tôi ở xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhiều năm qua không được sửa chữa, cải tạo.Mùa mưa bão đang đến gần, nó có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào", ông Nam bức xúc.
Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, tránh khiếu kiện kéo dài, UBND huyện Ý Yên cần chỉ đạo các xã Yên Thành và Yên Trung khẩn trương xử lý dứt điểm vụ việc theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Thông báo số 37. Xử lý nghiêm minh những cán bộ đã làm sai theo quy định của pháp luật.
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hy-huu-cau-chuyen-xa-no-cap-dat-cua-xa-kia-tai-huyen-y-yen-nam-dinh-nguoi-dan-chiu-kho-den-bao-gio-172220711155312129.htm
2. Nhận tiền mừng cưới qua chuyển khoản: Tiện dụng hay thực dụng?
(Phunuonline.com.vn 11/7, Hà Anh; Infonet.vietnamnet.vn 11/7; Kienthuc.net.vn 12/7)
Dân mạng rôm rả bàn tán về việc chú rể Minh Quang (quê Nam Định) in mã QR code để trước cổng cưới để nhận tiền mừng qua chuyển khoản.
Chồng bắt tôi vay nợ để mừng cưới em trai... cho đẹp mặtVợ chồng trẻ bị kẻ gian phá cửa lấy trộm 4,5 cây vàng cùng hơn 900 phong bì mừng cưới
Chú rể Minh Quang cho biết, trước nay, khi đi đám cưới bạn bè, anh thấy việc để tiền mừng vào phong bì có nhiều hạn chế: không kiểm soát được khi khách quá đông, tiền mừng dễ bị thất lạc, rác thải, mất công để đếm tiền mừng... Vì thế, anh quyết định in mã QR code để trước cổng cưới để mọi người có thể dễ dàng chuyển khoản.
Việc làm này nhận những phản ứng trái chiều. Trong đó, có người ủng hộ: "Thế này quá tiện lợi, không sợ mất tiền, và giờ ai cũng có điện thoại", "Nhanh trí nên in luôn lên thiệp mời", "Thế này thực tế và văn minh hơn rất nhiều", "Quá tiện lợi và an toàn, không lo thất thoát"...
Trước việc một số người nghi đây là chiêu PR, một số người đã dùng thử mã QR code này để xác nhận rằng cô dâu, chú rể trong đám cưới trên có thiết lập tài khoản trên để nhận tiền mừng.
Tuy nhiên, cũng có người chỉ ra sự bất tiện: "Đám cưới xong phải sao kê xem ai đi, ai không đi nữa, cũng mệt không kém", "Nếu theo phương án này thì cần phải đảm bảo wifi tốt vì không phải ai cũng đăng ký 4G đâu", "Rồi những khách mời lớn tuổi, không có điện thoại thông minh, không sử dụng dịch vụ chuyển khoản của ngân hàng sẽ như thế nào"...
Thậm chí có ý kiến chỉ trích: "Thế này thì thực dụng quá. Người ta gửi tiền mừng là họ muốn chúc mừng chứ có phải đến đó để có nghĩa vụ bỏ tiền ra đâu", "Thời đại công nghệ từ từ thay đổi luôn phong tục tập quán"...
Một người bình luận cho biết đã áp dụng cách thức này vào năm 2019, và có thể giới hạn mức tối thiểu. Tuy nhiên, theo hình ảnh được chia sẻ, mã QR code này được in trong tờ giấy nhỏ, đặt trước bàn nhận phong bì, chứ không to như đám cưới ở Nam Định.
Việc nhận tiền cưới qua chuyển khoản cũng từng vài lần gây xôn xao. Phương án này có nhiều ưu điểm, như được đề cập bên trên. Nhưng việc xoá bỏ một phong tục truyền thống lâu đời vẫn khó được chấp nhận.Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cái mới lúc nào cũng dễ vướng phải sự phản đối.Nhưng thời gian sẽ là câu trả lời.Điều gì tồn tại đến cuối cùng, nghĩa là điều được chấp nhận.
https://www.phunuonline.com.vn/nhan-tien-mung-cuoi-qua-chuyen-khoan-tien-dung-hay-thuc-dung-a1468005.html
Nhận tiền mừng cưới qua chuyển khoản: tiện dụng hay thực dụng?
https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/nong-tren-mang/nhan-tien-mung-cuoi-qua-chuyen-khoan-tien-dung-hay-thuc-dung-415177.html
Đám cưới 4.0, chuyển tiền mừng bằng mã QR code gây bão mạng
https://kienthuc.net.vn/cong-dong-tre/dam-cuoi-40-chuyen-tien-mung-bang-ma-qr-code-gay-bao-mang-1723053.html
3. Trọng tài Việt Nam liên tiếp mắc sai lầm, V-League đau đáu chờ VAR
(Vtc.vn 11/7, Thế Sơn; TTXVN/Baotintuc.vn 11/7; Daidoanket.vn 12/7; Laodong.vn 11/7)
Vòng 6 V-League chứng kiến thêm sai lầm của các trọng tài và sự thiếu vắng VAR khiến tranh cãi càng dễ nổ ra khi sự cố xuất hiện ở các trận cầu đinh.
"Tôi không bàn đến tính đúng sai của các quyết định đến từ trọng tài, không chỉ ở trận đấu này đâu, mà cả trận khác nữa.Ở một số tình huống, nếu có công nghệ VAR, thì các trọng tài quyết định dễ dàng hơn.Dù có bất lợi thì đội bóng cũng phải chấp nhận thực tế.Còn nếu vẫn sai thì trách nhiệm của các trọng tài dễ được quy kết hơn", một cầu thủ ra sân trong trận đấu giữa Thanh Hoá và Nam Định chia sẻ với VTC News.
Ở cuộc đọ sức trên sân Thanh Hoá, phút 47, trung vệ Victor Kamhuka bên phía CLB Thanh Hoá phạm lỗi với Nguyễn Đình Sơn của CLB Nam Định ở vị trí khá nhạy cảm, sát vạch 16m50. Ban đầu, trọng tài chính Trần Văn Lập quyết định dành một quả phạt trực tiếp bên ngoài vòng cấm cho đội khách. Nhưng khi tham khảo ý kiến của trợ lý Nguyễn Trung Việt, ông Lập "bẻ còi" và thổi phạt đền cho đội khách.
Theo Trưởng Ban Trọng tài Dương Văn Hiền, tình huống này tổ trọng tài xử lý đúng khi "điểm phạm lỗi cuối cùng" của Victor nằm trong vòng cấm địa. Đây là căn cứ xác định vị trí phạm lỗi nằm trong vòng cấm địa hay không. Trọng tài chính Trần Văn Lập không thể quan sát được vị trí này nên phải tham khảo trợ lý Nguyễn Trung Việt. Nhưng ông Việt quan sát có chính xác bằng mắt thường hay không thì rất khó để khẳng định.
Tương tự như vậy, sai sót của trọng tài Nguyễn Ngọc Châu khi công nhận bàn thắng ghi bàn tay của Nguyễn Xuân Nam ở trận đấu giữa CLB Sài Gòn và CLB Bình Định cũng bởi "góc quan sát". Ban Trọng tài VFF giải thích rằng cả ông Châu và trợ lý không thể quan sát tình huống ở góc thuận lợi nhất vì có "nhiều cầu thủ cũng tranh chấp pha bóng".
Tất nhiên, ông Châu không may mắn như ông Lập và phải nhận án phạt với sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Nếu có công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR), các trọng tài Việt Nam sẽ có thêm căn cứ trước khi đưa ra quyết định của mình.
Công ty VPF và Ban tổ chức V-League đều mong chờ công nghệ VAR. Nhưng để đưa VAR về Việt Nam và vận hành công nghệ này luôn là bài toán khó. Chưa bàn về góc độ tài chính, nhân sự để vận hành VAR là điều mà bóng đá Việt Nam không thể đáp ứng ở thời điểm này.
Để FIFA đồng ý áp dụng VAR, Việt Nam cần đảm bảo 100 trọng tài được đi học chuyên sâu.Nhưng không phải cứ đi học là sẽ đạt yêu cầu. Ở khu vực Đông Nam Á, số trọng tài đạt tiêu chuẩn của FIFA để điều hành phòng VAR chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền cũng từng đề cập đến vấn đề này: "Cả Đông Nam Á hiện có rất ít trọng tài được FIFA công nhận về những vấn đề liên quan đến VAR. Việc đào tạo trọng tài VAR không đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn và chúng ta cần phải tìm cách để thích ứng càng nhanh càng tốt".
Thực tế, VPF vẫn nỗ lực để đưa VAR vào áp dụng tại V-League.Nhưng số tiền để đầu tư lắp đặt VAR quá lớn. Trước mùa giải 2019, phương án sử dụng VAR từng được lên một cách chi tiết. VPF sẽ mua thiết bị vận hành từ nhà cung cấp do FIFA chỉ định. Sau đó, thiết bị được lắp đặt trên các xe lưu động để đến di chuyển linh hoạt đến các sân tuỳ theo lịch thi đấu. Nhưng kể cả có áp dụng phương pháp này, chi phí vẫn rất lớn.
Mỗi trận, VAR sẽ "đốt" khoảng 4 tỉ đồng chi phí vận hành.Chỉ cần áp dụng cho 1-2 trận đấu mỗi vòng, số tiền chi cho cả mùa giải sẽ vọt lên hơn 100 tỉ đồng.Quả thực, VAR là bài toán quá khó để tìm ra lời giải vào lúc này.
https://vtc.vn/trong-tai-viet-nam-lien-tiep-mac-sai-lam-v-league-dau-dau-cho-var-ar687132.html
Vòng 6 V-League 2022 ồn ào vấn đề trọng tài
https://baotintuc.vn/the-thao-24h/vong-6-vleague-2022-on-ao-van-de-trong-tai-20220708183057844.htm
V – League 2022: Ngày càng gay cấn
http://daidoanket.vn/v--league-2022-ngay-cang-gay-can-5691059.html
Chuyện trọng tài V.League: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi..."
https://laodong.vn/bong-da/chuyen-trong-tai-vleague-biet-roi-kho-lam-noi-mai-1066878.ldo
4. Tố bị xử ép, CLB Thanh Hóa yêu cầu VFF chấn chỉnh công tác trọng tài
(Nguoiduatin.vn 12/7; Tuoitre.vn 11/7; Thanhnien.vn 11/7)
Với việc CLB Thanh Hóa liên tục nhận các quyết định bất lợi từ trọng tài trong 2 trận đấu đã qua, chủ tịch Cao Tiến Đoan đã có đơn kiến nghị chấn chỉnh trọng tài.
Mới đây, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa, đã có văn bản chính thức gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp mùa giải 2022, và Ban Trọng tài về các tình huống mà trọng tài gây bất lợi cho đội bóng Thanh Hóa trong trận tiếp đón đội Nam Định vào chiều 9/7 trên sân Thanh Hóa.
Nội dung văn bản cho rằng một số tình huống liên quan đến công tác trọng tài đã gây ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của trận đấu:
Tình huống thứ nhất diễn ra ở phút 45, khi cầu thủ số 9 Hoàng Xuân Tân (Nam Định) phạm lỗi với Lê Văn Thắng (số 10 Thanh Hóa) với lỗi đẩy người từ phía sau rất rõ ràng nhưng trọng tài không thổi phạt. Tình huống này đã tạo lợi thế cho đội Nam Định tiếp tục phản công.
Tình huống thứ 2, vào phút 47 của trận đấu, cầu thủ Victor Kamhuka (Thanh Hóa) phạm lỗi với cầu thủ Nguyễn Đình Sơn (Nam Định). Ban đầu trọng tài chính đã xác định điểm phạm lỗi ở ngoài vòng 16m50. Cùng đó, các cầu thủ Nam Định chỉ tay về phía trọng tài biên, trọng tài chính chạy lại tham khảo ý kiến của trọng tài biên, sau đó quay lại thay đổi quyết định cho đội Nam Định được hưởng quả 11m.
Tiếp đó, phút 51 cầu thủ Hoàng Xuân Tân của đội Nam Định phạm lỗi với cầu thủ Nguyễn Trọng Hùng của đội Thanh Hóa. Mặc dù bóng vẫn đang trong tầm kiểm soát của cầu thủ Pinto và Thanh Hóa đang phản công gần khu vực cầu môn, nhưng trọng tài không cho đội Thanh Hóa hưởng lợi thế mà thổi phạt cầu thủ đội Nam Định.
Từ 3 tình huống trên, đội Thanh Hóa cho rằng trọng tài đã gây bất lợi, gây ức chế cho các cầu thủ, ban lãnh đạo đội Thanh Hóa và hàng ngàn khán giả xem trận đấu; làm mất công sức cống hiến của các cầu thủ đội Thanh Hóa đang thi đấu hết mình trên sân cỏ.
Thông qua văn bản này, CLB Thanh Hóa đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem lại những tình huống đã diễn ra.Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, kịp thời có những biện pháp chấn chỉnh lại công tác trọng tài.Qua đó, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng của giải đấu.
Trước đó, ông Dương Văn Hiền, Trưởng Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, cho biết tình huống Victor Kamhuka phạm lỗi đá vào người cầu thủ Nguyễn Đình Sơn trọng tài sẽ không tính thời điểm tranh chấp bóng mà tính điểm phạm lỗi cuối cùng.
“Trong tình huống nói trên, sau khi xem xét lại băng kỹ thuật, điểm phạm lỗi rõ ràng là nằm trong khu vực 16m50 và quyết định của trọng tài chính Trần Văn Lập đưa ra là hoàn toàn chính xác. Vì điểm phạm lỗi xảy ra gần đường 16m50 nên trọng tài phải tham khảo ý kiến của trọng tài biên”, ông Hiền nói.
https://www.nguoiduatin.vn/bi-xu-ep-clb-thanh-hoa-yeu-cau-vff-chan-chinh-cong-tac-trong-tai-a559668.html
CLB Thanh Hóa gửi đơn đề nghị chấn chỉnh công tác trọng tài tại V-League 2022
https://tuoitre.vn/clb-thanh-hoa-gui-don-de-nghi-chan-chinh-cong-tac-trong-tai-tai-v-league-2022-20220711152547416.htm
Bầu Đoan phản ứng 3 pha bóng trọng tài gây bất lợi cho đội Thanh Hóa
https://thanhnien.vn/bau-doan-phan-ung-3-pha-bong-trong-tai-gay-bat-loi-cho-doi-thanh-hoa-post1477152.html
IV. Điểm tin đã đưa
1. Cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu được xếp là cảng biển loại đặc biệt
(Nld.com.vn 11/7; Kienthuc.net.vn 11/7; Cadn.com.vn 11/7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8-7-2022 công bố danh mục cảng biển Việt Nam gồm 34 cảng biển. Trong đó có 14 cảng biển loại III, gồm: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau và Kiên Giang.
https://nld.com.vn/kinh-te/cang-bien-hai-phong-va-ba-ria-vung-tau-duoc-xep-la-cang-bien-loai-dac-biet-20220711123530226.htm
Cảng biển Hải Phòng được xếp loại đặc biệt của Việt Nam
https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/cang-bien-hai-phong-duoc-xep-loai-dac-biet-cua-viet-nam-1722880.html
2. Bộ Y tế tiếp tục “điểm danh” các địa phương tiêm mũi nhắc COVID-19 tỉ lệ thấp
(Baochinhphu.vn 11/7; Hanoimoi.com.vn 11/7; Vtc.vn 11/7; Vov.vn 11/7; Suckhoedoisong.vn 11/7)
Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 10/7, đối với nhóm từ 12 đến 17 tuổi, cả nước đã ghi nhận 8.658.697 trẻ tiêm đủ 2 mũi, đạt 98,8%; số trẻ tiêm nhắc là 1.092.567 trẻ (12,5%).Các địa phương tiêm mũi nhắc thấp dưới 5% ở nhóm tuổi này gồm: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên, Quảng Nam, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
https://baochinhphu.vn/bo-y-te-tiep-tuc-diem-danh-cac-dia-phuong-tiem-mui-nhac-covid-19-ti-le-thap-102220711161018505.htm
Số ca mắc Covid-19 trên cả nước tăng trở lại
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/1036660/so-ca-mac-covid-19-tren-ca-nuoc-tang-tro-lai
Bộ Y tế tiếp tục nhắc tên địa phương tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 chậm
https://vtc.vn/bo-y-te-tiep-tuc-nhac-ten-dia-phuong-tiem-vaccine-covid-19-mui-3-va-4-cham-ar687156.html
Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, mũi 4 còn thấp
https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/ty-le-tiem-vaccine-covid-19-mui-3-mui-4-con-thap-post955918.vov
Bộ Y tế điểm danh lần thứ 7 các tỉnh, thành tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và mũi 4 chậm
https://suckhoedoisong.vn//bo-y-te-diem-danh-lan-thu-7-cac-tinh-thanh-tiem-vaccine-covid-19-mui-3-va-mui-4-cham-169220711115656349.htm
3. Nam Định công bố điểm chuẩn dự kiến vào lớp 10 đợt xét tuyển bổ sung
(Congdoan.vn 11/7)
Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định vừa chính thức công bố mức điểm chuẩn dự kiến xét tuyển đợt 2 vào lớp 10 THPT hệ không chuyên năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh. Mức dự kiến điểm chuẩn vào lớp 10 đợt xét tuyển bổ sung có chênh lệch lớn giữa các trường.Trường THPT Nguyễn Khuyến, An Phúc, Nghĩa Minh có mức điểm chuẩn dự kiến trên 30 điểm.
http://www.congdoan.vn/tin-tuc/thoi-su-487/nam-dinh-cong-bo-diem-chuan-du-kien-vao-lop-10-dot-xet-tuyen-bo-sung-688702.tld