THAM LUẬN
của Chủ tịch UBND thành phố tại Hội nghị tổng kết
Sở thông tin truyền thông
Nội dung: UBND thành phố Nam Định triển khai thực hiện chuyển đổi số trong Trường học và đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến góp phần từng bước hình thành Trường học số, công dân số
Được sự giới thiệu của Ban tổ chức, tôi xin phép thay mặt UBND thành phố Nam Định tham luận về công tác chuyển đổi số trong Trường học và đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến góp phần từng bước hình thành Trường học số, công dân số.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, thưa Hội nghị.
Nghiêm túc quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh. Đặc biệt là sau 01 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số của tỉnh, sự quan tâm, phối hợp, hướng dẫn của Sở Thông tin truyền thông; Đảng bộ, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật là 3 năm liên tiếp dẫn đầu khối các huyện, thành phố về chỉ số Cải cách hành chính, cụ thể:
* Công tác lãnh đạo chỉ đạo:
- Xây dựng, ban hành chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện (đã nêu rõ nhiệm vụ phải thực hiện của từng cơ quan, đơn vị theo nội dung Nghị quyết 09).
- Kiên toàn Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số thành phố Nam Định; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phục trách từng công việc cụ thể.
- Tổ chức các hội nghị quán triệt phổ biến đến toàn Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn thành phố (ngoài ra tuyên truyền trên đài phát thanh, loa truyền thanh về chuyển đổi số).
(để mọi người nắm rõ đượctừng nội dung của chuyển đổi số - vừa tiện ích cho cơ quan nhà nước vừa tiện tích cho người dân)
- Tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp cho Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố. Ngoài ra còn cử cán bộ trực tiếp đến từng đơn vị phòng, ban, đơn vị, phường, xã để cầm tay chỉ việc hướng dẫn cho từng cán bộ, đơn vị thực hành.
* Từ sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của Sở Thông tin truyền thông, VNPT Nam Định và sự lãnh đạo chỉ đạo của thành phố, thành phố đã đạt được những kết quả:
+ 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số của các đơn vị trên địa bàn thành phố đều hoàn thành sớm và vượt mức so với yêu cầu của Chính phủ, của UBND tỉnh và của Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số của tỉnh giao như: Chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hoá hồ sơ…
+ Cung cấp, tiếp nhận trực tuyến 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện mức độ 4.
+ Trên 70% hồ sơ TTHC được tiếp nhận trực tuyến mức độ 3,4, cao hơn tỷ lệ bình quân của tỉnh và đạt tỷ lệ cao nhất trên địa bàn toàn tỉnh. 100% hồ sơ được giải quyết công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, 100% TTHC được giải quyết đúng hạn và trước hạn. 100% hồ sơ TTHC được người dân đánh giá hài lòng.
+ Có gần 11.000/25.000 (đạt 44%) hồ sơ có phát sinh phí được thanh toán trực tuyến, tổng số tiền thanh toán là gần 250 triệu đồng. Là địa phương cao nhất khối các huyện của tỉnh.
+ Có gần 86.000/141.000 (đạt 61%) hồ sơ TTHC được thực hiện số hóa hoặc trả kết quả bằng văn bản điện tử. Là địa phương cao nhất của tỉnh, chiếm gần 1/3 của tỉnh.
+ Có hơn 5.000 hồ sơ được chứng thực điện tử, chiếm hơn 50% hồ sơ toàn tỉnh (5.084/10.851)
+ Năm 2022, thành phố là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; triển khai chứng thực điện tử; khai sinh, khai tử, kết hôn điện tử… (sớm hơn 5 tháng đối với cấp huyện và 11 tháng đối với cấp xã so với quy định của Chính phủ)
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, thưa toàn thể hội nghị!
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó xác định Giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên. Việc chuyển đổi số trong giáo dục thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Xã hội số.
Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong Giáo dục - đào tạo, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở thông tin truyền thông, sự phối hợp của VNPT Nam Định. Thành phố đã thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, phường Lộc Hòa tiến tới từng bước xây dựng Trường học số trên địa bàn thành phố Nam Định.
Với hơn 20 nội dung công việc từ bố trí trang thiết bị và ứng dựng các phần mềm được VNPT Nam Định triển khai ứng dụng vào tất cả hoạt động của nhà trường từ công tác quản lý đến giảng dạy của giáo viên và học tập của các em học sinh, đây là Bộ giải pháp được đánh giá là toàn diện, đồng bộ phù hợp với mô hình của trường, cụ thể:
- Cung cấp chữ ký số chuyên dùng cho các thầy cô giáo đã góp phần đưa 100% hoạt động quản lý của nhà trường và công tác giảng dạy của giáo viên lên môi trường điện tử.
- 100% phụ huynh học sinh được cài đạt Ứng dụng di động, giúp phụ huynh học sinh quản lý, theo dõi toàn diện tất cả hoạt động của con em mình ở trường, như:
+ Điểm danh thông minh (biết được con mình đến trường vào giờ nào)
+ Quản lý dinh dưỡng (biết được thực đơn từng bữa ăn của con)
+ Học bạ điện tử (theo dõi tình hình học tập của con; Giáo viên làm trực tuyến, không phải đến trường mang học bạ giấy về; Nhà trường thuận tiện trong quản lý, tra cứu hồ sơ; Tiết kiệm chi phí in ấn…)
+ Lịch học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa…
Qua 4 tháng triển khai thí điểm, Cơ sở dữ liệu của trường đã được chuẩn hóa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ với cơ quan quản lý và với các trường học khác cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai các dịch vụ mới, đặc biệt, kết quả thuận lợi nhất mà phụ huynh quan tâm đó là theo dõi được toàn bộ hoạt động của con tại nhà trường.
Hiện nay chương trình thí điểm tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông đã được tổng kết, trong thời gian tới sẽ tiến hành nhân rộng đến các trường của TP từ mầm non đến THCS nhằm sớm phát triển và hình thành mô hình giáo dục thông minh, mô hình trường học số trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, thành phố Nam Định cũng gặp không ít khó khăn, đó là:
- Chuyển đổi số là lĩnh vực còn mới đối với nhiều địa phương, nhất là mới với người dân.
- Hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn như: hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Trong đó, có vấn đề liên quan đến đảm bảo sóng viễn thông, việc lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS) cần được triển khai đồng bộ, đảm bảo các quy định và đúng với quy hoạch… (vấn đề này cần sự vào cuộc của đơn vị viễn thông, nhất là sự đồng thuận của người dân - Hiện nay đang có tâm lý lo lắng sóng viễn thông ảnh hưởng đến sức khỏe người dân).
- Việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn, do Nam Định là đô thị, việc đi lại thuận tiện nên người dân chưa nhận thức hết được tiện ích mà dịch vụ công trực tuyến mang lại.
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, thưa toàn thể hội nghị!
Bước sang năm 2023, là năm thứ 2 triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, với mong muốn tiếp tục là địa phương luôn đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh. Thành phố Nam Định có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
1. Đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số của tỉnh
- Tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thành phố Nam Định trong công tác chuyển đổi số.
- Quan tâm xem xét, xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Nam Định theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20.
- Quan tâm tạo điều kiện, bố trí nguồn lực để hỗ trợ TP triển khai thực hiện số hóa, tạo lập Kho cơ sở dữ liệu riêng của TP.
- Quan tâm chỉ đạo các sở, ngành và các doanh nghiệp công nghệ số phối hợp, hỗ trợ thành phố trong thực hiện chuyển đổi số tại các trường học nhằm sớm phát triển và hình thành mô hình giáo dục thông minh, mô hình trường học số trên địa bàn thành phố
2. Đề nghị Sở thông tin truyền thông tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đối với các huyện, TP, nhất là đối với UBND cấp xã để sơm hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh.
3. Nhân hội nghị này, tôi cũng trân trọng đề nghị các Sở ngành của tỉnh, UBND các huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên quan tâm phối hợp và hỗ trợ thành phố trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và trong triển khai thực hiện chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh nói riêng.
Cuối cùng, Chuẩn bị đón xuân mới Quý Mão năm 2023, thay mặt cho Lãnh đạo thành phố, xin kính chúc các đồng chí Lãnh đạo, các vị đại biểu, khách quý và toàn thể Hội nghị mạnh khoẻ, thành đạt, gia đình hạnh phúc! Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cám ơn!